19/10/2022 08:45

Tháo gỡ nút thắt trong ‘mạch máu’ của nền kinh tế

Được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế, thế nhưng ngành dịch vụ logistics trong nước còn nhiều hạn chế và nút thắt cần sớm tháo gỡ.

Thông tin trên được ghi nhận tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển” được tổ chức vào ngày 19-10 tại TPHCM.

Giao thông, kho vận yếu đẩy chi phí logistics lên rất cao

Ông Chih Cheung, đối tác đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành của Công ty SLP Việt Nam, nhận định lĩnh vực logistics Việt Nam còn nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Ông nêu cụ thể những chi phí liên quan đến logistics ở nền kinh tế gần 100 triệu dân này chiếm đến khoảng 20% GDP, trong khi ở các nước tiên tiến, con số này chỉ chiếm khoảng 7-9%.

Chia sẻ về vấn đề khó khăn trong lĩnh vực logistics hiện tại ở Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc thương mại, Công ty SLP Việt Nam, cho rằng hiện nay cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Hệ thống giao thông và quy hoạch cảng biển, kho bãi còn phân tán, thiếu tính kết nối. Nền tảng hệ thống kho bãi đang có quy chuẩn chưa cao, được thiết kế và quy hoạch không đồng đều.

“Có thể thấy hệ thống kho bãi được quy hoạch chủ yếu ở miền Nam, chỉ có 30% được quy hoạch ở miền Bắc”, bà Diệp nói, và cho rằng: “Đây chính là những vướng mắc hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước và ảnh hưởng đến toàn bộ việc quản trị chuỗi cung ứng”.

Thị trường logistics Việt Nam với sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là ở quy mô nhỏ lẻ và có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia được sâu vào chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp chỉ mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò là nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp.

Hệ thống cung ứng các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa tổng quản lý và tự động hóa trong vận hành vẫn còn là một khái niệm mới mẻ với nhiều doanh nghiệp hoạt động cung ứng dịch vụ trong ngành logistics. Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.

Mặt khác, tình trạng khan hiếm đất đai và chi phí đang tăng lên nhanh chóng khiến cho việc phát triển có thể xem là những rào cản.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho rằng thách thức lớn hiện nay đối với ngành logistics là chuyển đổi mô hình kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp khó tìm các giải pháp tương thích giữa các hệ thống quản lý vận hành của công ty mình và khách hàng; khó khăn về nguồn vốn và nhân lực; chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp…

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cũng nhận định logistics là một ngành hết sức trọng yếu và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, ngành logistics trong nước còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Từ những hạn chế trên dẫn đến chi phí dịch vụ logistics Việt Nam còn cao, thiếu tính chuyên nghiệp, tự động hóa còn thấp, năng suất thực hiện nhiệm vụ chưa tiếp cận được các nước tiên tiến, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh so với thị trường quốc tế.

Sớm cải thiện để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp

Ông Chih Cheung cho rằng hiện nay Việt Nam đang sở hữu tất cả những lợi thế để thúc đẩy logistics phát triển, bao gồm quốc gia có dân số trẻ, quy mô dân số lớn với khoảng 100 triệu người; các chính sách hỗ trợ của chính phủ ổn định; các hiệp định thương mại sâu rộng với các nước khác; và có xu hướng thuận lợi trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.

Đơn cử trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt trên 557 tỉ đô la Mỹ, cho thấy thị trường cho hoạt động logistics là rất lớn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ, thủ tục hành chính… và các cơ quan chức năng xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả.

 

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng muốn đón “sóng” logistics cần lưu ý đến phát triển sử dụng kho bãi hiệu quả, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, giảm chi phí. Bởi bên bán lẻ và thương mại điện tử đều muốn kho hàng của mình gần hơn với khách hàng, vì ngay khi khách hàng bấm mua hàng trên ứng dụng, trong khoảng thời gian rất ngắn phải xử lý đơn hàng với tốc độ nhanh nhất có thể. “Việc xâm nhập của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, nhưng đến năm 2024-2025 thì con số này sẽ tăng lên từ 15-20%, thậm chí là 50%”, ông Hiếu dự báo.

Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Diệp cho rằng cần hiện đại hóa trong hệ thống vận hành quản lý kho vận để tạo nên một hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Đây là sự kết hợp không chỉ ở cơ sở hạ tầng hiện đại kết hợp ứng dụng công nghệ mà là sự kết hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ kho vận hiện đại, chuyên nghiệp để tạo nên những giá trị cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Lê Duy Hiệp hy vọng các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành có thể xác định điểm nghẽn và yêu cầu trong hoàn cảnh chuyển đổi số, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số tốt nhất để có thể nâng cao hiệu quả ngành. Đồng thời, có thể kết nối cộng đồng logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng trong hoạt động, thu hút đầu tư về lĩnh vực logistics, các địa phương, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau, tạo sự kết nối, đồng bộ để cùng phát triển.

Theo ông Bằng, tạo ra sự kết nối giữa các địa phương, các doanh nghiệp không chỉ tạo ra sự phát triển của ngành logistics, mà còn đem đến sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động cũng như hạ tầng.

Định hướng cho ngành logistics phát triển trong thời gian tới, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng hiện nay ngành logistics vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vậy nên, trong chiến lược phát triển của ngành, cần có sự hỗ trợ, liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng thúc đẩy, phát triển thị trường. Cùng với đó, theo ông Chinh, cần xây dựng những doanh nghiệp “đầu đàn” đủ năng lực, có quy mô để tư vấn, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành theo mô hình cộng sinh, cùng tăng trưởng và phát triển.

“Dù còn rất nhiều việc phải làm trên con đường phát triển, thế nhưng, là một trong những trụ cột phát triển xuất nhập khẩu, ngành logistics cần phải có những đánh giá tổng thể từ thực tế đã qua, để rút ra những bài học kinh nghiệm, định hướng lại cho toàn ngành”, ông Chinh bày tỏ.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho rằng ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp và tầm nhìn tổng thể, định hình hướng đi mới để bắt kịp với xu hướng thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế – xã hội trong những năm tới đây.

Diễn đàn dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và SLP Việt Nam tổ chức.

Thiên Minh Trung

Link nội dung: https://eranet.vn/thao-go-nut-that-trong-mach-mau-cua-nen-kinh-te-62.html