Một loạt quốc gia từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á gần đây đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại, từng bước hoặc ngay lập tức, hướng tới thích ứng với đại dịch.
Từng là tâm dịch của toàn cầu, hiện châu Âu đang dần quay trở lại trạng thái như thời điểm trước khi đại dịch bùng phát nhờ vào tỷ lệ tiêm phòng cao và biến thể mới Omicron gây ra những triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đó.
Vào ngày 17-2, Thụy Sĩ thông báo dỡ bỏ hầu hết các hạn chế ngừa Covid-19 bởi tình hình dịch từ virus Corona đã cải thiện trong thời gian gần đây. "Nhờ mức độ miễn dịch cao của người dân, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ không bị quá tải dù mức độ lưu hành virus cao", theo thông cáo nước này.
Theo đó, người dân Thụy Sĩ sẽ không còn bị bắt buộc đeo khẩu trang và xuất trình chứng nhận tiêm chủng Covid-19 để đi vào bar, nhà hàng và các địa điểm trong nhà khác. Những hạn chế với số lượng người tụ tập và các sự kiện lớn cũng sẽ được dỡ bỏ.
Những biện pháp liên quan tới y tế áp dụng với cư dân Liên minh Châu Âu nhập cảnh Thụy Sĩ cũng được dỡ bỏ, đồng nghĩa với việc không cần phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính khi nhập cảnh biên giới, theo thông cáo của chính phủ Thụy Sĩ.
Đức là một trong những quốc gia mới nhất ở “lục địa già” dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống của người dân trong hai năm qua. Thời gian qua, Đức là nước áp đặt các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt hàng đầu châu Âu và cũng là nước chậm hơn nhiều quốc gia khác trong việc nới lỏng những hạn chế đó.
Reuters đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa thông báo lộ trình 3 bước, trong đó hầu hết các hạn chế ở nước này sẽ được thu hồi trước ngày 20-3. "Giờ đây, Đức có thể dỡ bỏ dần các hạn chế, nhưng vẫn tiếp tục thận trọng”, ông Scholz viết trên trang Twitter cá nhân.
Một số quốc gia Châu Âu khác, trong số đó có Đan Mạch, Na Uy, Anh, Pháp và Hà Lan... cũng đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế ngừa Covid-19 trong những tuần gần đây.
Tại Pháp, ngày 16-2, các câu lạc bộ đêm đã được mở cửa trở lại lần đầu tiên trong vòng 3 tháng, đồng thời tất cả quy định về đeo khẩu trang sẽ được dỡ bỏ và quy định về thẻ thông hành sẽ được nới lỏng từ giữa tháng sau.
Mới đây, Hà Lan cũng tuyên bố sẽ dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế ngừa Covid-19 từ ngày 25-2, trong đó sẽ loại bỏ quy định giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rút ngắn thời gian cách ly với người mắc Covid-19 còn 5 ngày. Các hộp đêm và bar được mở tới 1h sáng và tất cả các hạn chế với giờ mở cửa được dỡ bỏ từ 18-2.
Vào đầu tháng này, Đan Mạch là nước thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế và chỉ duy trì số ít biện pháp tại khu vực cửa khẩu biên giới, với những người chưa tiêm phòng đến từ các quốc gia không thuộc khối đi lại tự do Schengen.
Tương tự, các nước trong khu vực châu Á cũng lần lượt công bố kế hoạch mở cửa. Việc Việt Nam công bố sẽ chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15-3 cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Theo đó, nhiều tờ báo như Reuters, CNN, The Star, The Japan News… đều đồng loạt đưa tin du lịch Việt Nam chính thức mở cửa sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. Nhiều đánh giá cho rằng, Việt Nam đang có những bước chuẩn bị các giải pháp phục hồi, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Việc dỡ bỏ nhiều hạn đi lại từ ngày 15-3 cho thấy một sự nỗ lực nhằm sớm phục hồi du lịch của Việt Nam sau khoảng thời gian dài “đóng băng”.
Trong khi đó, ngày 17-2, Nhật Bản thông báo nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm chống lại sự lây lan của Covid-19. Trong số các biện pháp được công bố có nâng số người được phép nhập cảnh vào Nhật Bản lên 5.000 người mỗi ngày từ 3.500 người hiện tại.
Những biện pháp khác trong đợt nới lỏng chính sách lần này của xứ mặt trời mọc cũng bao gồm rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc từ 1 tuần như hiện nay xuống còn 3 ngày với một số trường hợp nhất định, xét trên mức độ rủi ro của quốc gia mà du khách xuất phát, tình trạng tiêm chủng của du khách. Quy định nới lỏng nhập cảnh của đất nước hoa anh đào có hiệu lực theo từng giai đoạn từ tháng 3 tới.
Xu hướng mở cửa trở lại cũng được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á triển khai. Mới đây, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cho biết, đất nước sư tử biển cam kết mở cửa lại nền kinh tế và biên giới của nước này với phần còn lại của thế giới. Vệc tiếp tục mở các tuyến đi lại đã tiêm chủng (VTL) không cách ly với hơn 20 quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 toàn cầu diễn biến phức tạp phản ánh cam kết này. Singapore cũng cam kết mở rộng thêm các tuyến VTL với nhiều quốc gia hơn khi tình hình cho phép.
Thái Lan đã khởi động lại chương trình du lịch không cách ly từ 1.2 sau 5 tuần tạm dừng do biến thể Omicron. Ban đầu, kế hoạch mở cửa trở lại của Thái Lan chỉ giới hạn với 67 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng giờ đây du khách đã tiêm chủng từ bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đến Thái Lan du lịch mà không cần cách ly.
Trong khi đó, Philippines đã mở cửa cho khách du lịch nước ngoài tiêm phòng đầy đủ vào ngày 10-2, với công dân từ 157 quốc gia được phép đi du lịch mà không cần cách ly. Ngày 8.2, Hội đồng Phục hồi Quốc gia Malaysia đã cam kết mở cửa biên giới cho tất cả công dân nước ngoài vào tháng 3. Khi tuyên bố mở cửa trở lại, chủ tịch Hội đồng Phục hồi Quốc gia Malaysia nhấn mạnh, việc mở lại biên giới sẽ có nghĩa là “khách du lịch có thể đến thăm và các nhà đầu tư có thể nhập cảnh".
Tương tự Australia và New Zealand - nổi tiếng với các chính sách biên giới nghiêm ngặt - cũng công bố kế hoạch mở cửa trở lại, dù không rộng rãi như một số nước Châu Á.
Lộ trình mở cửa biên giới của New Zealand gồm 5 giai đoạn, thực thi từ ngày 28-2 tới, bắt đầu với việc cho phép công dân New Zealand từ Úc, và sau đó là từ các nước khác, được trở về nước. Tiếp đến, từ ngày 14-3, các sinh viên có visa thuộc các chương trình đặc cách nhập cảnh đặc biệt trước đó có thể được tự cách ly tại nhà khi đến New Zealand, thay vì tại các cơ sở cách ly tập trung, trong điều kiện đáp ứng và tuân thủ tất cả những yêu cầu về sức khỏe và quy định xuất nhập cảnh.
Những đối tượng đang có thị thực tạm thời còn hiệu lực, bao gồm học sinh, sinh viên, và đáp ứng đủ các điều kiện thị thực cũng được quay trở lại New Zealand từ ngày 13-4. Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng công bố chương đặc cách nhập cảnh lần thứ tư, cho phép 5.000 du học sinh có thể đến New Zealand từ tháng 4 để bắt đầu kỳ nhập học thứ hai của năm học vào tháng 7-2022.
Australia cho phép du khách nước ngoài tiêm ít nhất 2 liều vaccine Covid-19 nhập cảnh từ ngày 21-2 sau khi cho phép du học sinh và lao động lành nghề nhập cảnh từ 15-12-2021.
Nước láng giềng New Zealand cũng dần mở cửa trở lại, với việc Thủ tướng Jacinda Ardern đặt mục tiêu đến tháng 10 là cho phép tất cả du khách nước ngoài vào nước này.
Tương tự, Canada vừa công bố một số điều chỉnh đối với quy định đi lại trong nước và quốc tế. Cụ thể, từ ngày 28-2, những người đã tiêm phòng đầy đủ sẽ không bị bắt buộc xét nghiệm RT-PCR trước khi đến quốc gia Bắc Mỹ này, trong khi chính quyền Ottawa cũng chỉ khuyến cáo người dân nước này thận trọng đối với các chuyến đi cho những mục đích không thiết yếu.
Ecuador và Peru cũng thống nhất mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa hai nước kể từ ngày 18-2 sau gần 2 năm bị đóng hoàn toàn. Trước đó, Cộng hòa Dominica đã quyết định dỡ bỏ toàn bộ hạn chế, dẫu rằng vẫn chưa đạt mục tiêu bao phủ tiêm chủng cho 70% người trưởng thành.
(T/h)