Người mẫu chuyển giới xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue Thái Lan số tháng 6. Dior cũng hợp tác với Jin Xing trong chiến dịch quảng cáo nước hoa mới.
Nếu chỉ nhìn lướt qua trang bìa tạp chí Vogue Thái Lan ấn phẩm tháng 6, có lẽ bạn sẽ chẳng thấy có gì đặc biệt. Hình ảnh ba cô gái đẹp, tạo dáng thời trang vốn đã quá quen thuộc.
Chỉ đến khi lật mở từng trang, bạn mới biết ba người mẫu - Moji, Blossom và Sunshine - là phụ nữ chuyển giới.
Thị trường châu Á trao cơ hội cho người mẫu chuyển giới
Vào tháng 3, thương hiệu thời trang cao cấp Dior công bố Jin Xing, ngôi sao chuyển giới Trung Quốc, trở thành gương mặt đại diện của dòng nước hoa Dior J’adore. Cô cũng góp mặt trong chiến dịch #diorstandwithwomen (tạm dịch: Dior sát cánh cùng phụ nữ) cùng ngôi sao điện ảnh Lý Băng Băng.
Xing, 53 tuổi, là một vũ công, biên đạo múa và dẫn chương trình truyền hình với 13 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội Weibo.
Việc Jin Xing được Dior lựa chọn là một bước tiến quan trọng hướng tới trao quyền cho người chuyển giới.
SCMP nhận định thế giới thời trang, thị trường người mẫu đã thay đổi so với cách đây vài thập kỷ, khi mà những chân dài da trắng vẫn thống trị ngành công nghiệp này. Sự chuyển biến đến lúc này chưa đủ, nhưng đang đi đúng hướng và có lẽ châu Á đang dẫn đầu cuộc cách mạng.
Những năm trước, các người mẫu thuộc hệ phi nhị nguyên (không giới hạn bản thân ở hai cực hoặc nam hoặc nữ) hiếm khi xuất hiện trên sàn catwalk lớn và những trang tạp chí danh giá. Những người mẫu chuyển giới thành công thường phải che giấu danh tính để kiếm việc làm.
Kullawit Laosuksri, tổng biên tập tạp chí Vogue Thái Lan, phát biểu: "Cách tiếp cận của chúng tôi không nhằm gây tranh cãi. Chúng tôi muốn mang đến cho cộng đồng chuyển giới sự công nhận mà họ xứng đáng có được sau những đóng góp".
Laosuksri nhấn mạnh: "Ấn phẩm tháng 6 không chỉ đại diện cho cộng đồng, mà còn giới thiệu những tài năng, những cá tính bằng cách tôn vinh hành trình của mỗi người. Thời gian sẽ chẳng bao giờ đúng nếu chúng ta không làm điều đúng đắn. Tôi tự hào về họ".
Theo Kullawit Laosuksri, việc trao cơ hội cho người chuyển giới vốn chẳng phải vấn đề cần bàn luận. Kullawit chỉ ra rằng phụ nữ chuyển giới đang được bổ nhiệm vào những vị trí cao trong lĩnh vực thời trang dựa trên thành tích, năng lực của họ. Đây là một sứ mệnh quan trọng mà chúng ta cần phải liên tục hỗ trợ.
"Thái Lan là quốc gia bắt nguồn từ Phật giáo và niềm tin cơ bản đó đã định hình xã hội của chúng tôi làm một, trong đó chúng tôi chấp nhận con người thật của nhau, thay vì phán xét".
Phương Tây vẫn tồn tại sự phân biệt?
SCMP cho rằng ở phương Tây, giới thời trang vẫn chưa bắt kịp sự tiến bộ trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Văn hóa đại chúng 10 năm qua đã trải qua giai đoạn được đánh giá là "thời khắc quyết định của người chuyển giới". Đã có những cái tên rất tiêu biểu như diễn viên Laverne Cox, người đóng vai chính trong phim Orange is the new black, hay cựu vận động viên kiêm ngôi sao truyền hình thực tế Caitlyn Jenner.
Thế nhưng, ngành công nghiệp thời trang vẫn được phân chia chủ yếu theo hai thái cực - hoặc nam hoặc nữ. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp đặc biệt như Theodora “Teddy” Quinlivan (xuất hiện trong một chiến dịch của Chanel) hay Jay Espinosa (trình diễn ở show Louis Vuitton) nhưng chưa một ai có cơ hội chụp ảnh bìa trang Vogue.
Cecilio Asuncion, giám đốc của công ty quản lý người mẫu chuyển giới Slay Model Management (được thành lập vào năm 2016) lại có góc nhìn khác. Asuncion nhận định châu Á đã có bước tiến nổi bật trong việc trao cơ hội cho người mẫu chuyển giới, song Mỹ vẫn là trung tâm của phong trào này.
"Theo tôi, Mỹ vẫn là thị trường lớn hơn trong việc tuyển dụng mẫu chuyển giới. Về mặt pháp lý, thị trường châu Á cần phải cập nhật một số vấn đề mang tính hệ thống để tạo sức ảnh hưởng đến cộng đồng chuyển giới, chẳng hạn như thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân".
Cecilio Asuncion chia sẻ thêm: "Chúng tôi tự hào về những thành tựu mà người mẫu của mình đã đạt được. Có thể nói chúng tôi đi đầu trong sự thay đổi nhiều năm nay".
SCMP kết luận ở giai đoạn này, điều quan trọng nhất không phải là khu vực nào (châu Á hau châu Mỹ) đang thúc đẩy phong trào tốt nhất. Điều đáng nói là quá trình ấy đã và đang diễn ra.
Và quan trọng hơn, ngành công nghiệp thời trang phải đảm bảo rằng những người mẫu chuyển giới không chỉ được sử dụng để kiếm tiền trong vài năm. Đây phải được coi là cách tiếp cận mới và toàn diện.
Theo zingnews.vn