29/12/2022 12:19

Thông tin dự báo nhu cầu nhân lực về thị trường lao động

Trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của CMCN lần thứ 4, lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng, nhưng chưa đồng bộ nhu cầu nhân lực, mất cân đối giữa các ngành nghề. Chính vì vậy, thị trường lao động cần tăng nhanh nhân lực chất lượng cao.

Trải qua những điều kiện thực tế cho thấy, thị trường lao động Việt Nam bao gồm cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP. Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tăng trưởng...

- Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (TP. Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau), giai đoạn 2022 - 2030, nhu cầu nhân lực trên 600.000 người/năm, phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy, hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, cơ khí, tài chính, thương mại, ngân hàng, nông nghiệp, thủy sản...

- Vùng Tây Nguyên gồm 05 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng), giai đoạn 2022 - 2030, nhu cầu nhân lực trện 200.000 người/năm, có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản, công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và tiềm năng phát triển du lịch…

- Vùng Đông Nam Bộ (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 08 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang), giai đoạn 2022 - 2030, tổng số nhu cầu nhân lực 735.000 người/năm, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu…

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3 - 5%.

Riêng đối với nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo đại học chiếm tỷ trọng bình quân 20%, Cao đẳng chiếm 18%, trung cấp chiếm 27% và sơ cấp chiếm 25%.

Thị trường lao động trong giai đoạn tới thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp, lồng ghép nhau hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp phù hợp cơ cấu công nghệ số, được dự báo như sau:

1. Nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật: Cơ điện tử, Tự động hóa, Nhiệt, Công nghệ kỹ thuật ô tô - Tàu thủy), Điện - Điện tử, Công nghệ Hàn, Công nghệ Dệt - Sợi - May; Quản trị viên của các ngành kỹ thuật cùng các nhóm ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp, Mỹ thuật ứng dụng, Kiến trúc (Kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị - thiết kế nội thất...), Công nghệ xây dựng, Công nghệ vật liệu, Năng lượng, Công nghệ môi trường;

2. Nhóm ngành Công nghệ thông tin, phát triển chuyên sâu Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin - lập trình và phần mềm (bảo mật mạng, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh - hoạt hình) và trí tuệ nhân tạo;

3. Nhóm ngành Quản trị kinh doanh - Tài chính - Ngân hàng kết hợp các chuyên ngành Quản trị rủi ro, Quản lý chất lượng - Quản trị kỹ thuật và y tế, Quản lý hệ thống thông tin, Kế hoạch và Dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội - kinh doanh, Tư vấn tài chính, Quản lý dự án khoa học môi trường - Hàng không, Logistic, Quản lý văn phòng cao cấp… Truyền thông Marketing - Digital Marketing, Tài chính Kế toán, Kiểm toán, Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp;

4. Nhóm ngành Khoa học xã hội, Du lịch - nhà hàng - khách sạn - ẩm thực và Sư phạm kỹ thuật và Sư phạm giáo dục, Luật, Ngôn ngữ (Anh, Nhật, Trung, Hàn) và Tâm lý các chuyên ngành;

5. Nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe: Y, Dược, Điều dưỡng, Nha (Răng - hàm - mặt), các chuyên ngành Quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, Kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, Công nghệ y sinh, nghiên cứu gen và Dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và sức khỏe;

6. Nhóm ngành Công nghệ Nông - Lâm (Khoa học cây trồng, Chăn nuôi - Thú y, Lâm sinh, Công nghệ sau thu hoạch), Công nghệ Thủy - Hải sản (Nuôi trồng, Chế biến) và Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Sinh học - Hóa (Dược, Sinh, Mỹ phẩm, Thực phẩm...);

Với xu hướng ngành nghề như vậy, cho thấy thị trường lao động luôn là điều kiện rộng mở đối với những người biết chọn ngành học và hệ đào tạo phù hợp, để xậy dựng được giá trị và năng lực làm việc.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/thong-tin-du-bao-nhu-cau-nhan-luc-ve-thi-truong-lao-dong-75.html