Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, cùng việc người dân ở nhà nhiều hơn để chống dịch khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng lên, hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng 5-6.
Chị Thuỳ Linh cùng em trai (Thanh Xuân, Hà Nội), sống trong căn hộ 50 m2 thường sử dụng khoảng 150 kWh điện mỗi tháng. Như vậy, với cách tính giá điện từ bậc 3 (101-200 kWh) trở xuống, số tiền chị trả khoảng 300.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chị làm việc online từ xa, em trai nghỉ học ở nhà khiến chỉ số giá điện tăng cao. Tháng 6, chỉ số điện gia đình chị Linh dùng tăng 2 lần, lên tới gần 300 kWh. Tổng tiền điện thanh toán lên 740.000 đồng.
"Thời tiết Hà Nội đang vào giai đoạn nắng nóng nhất trong năm nên nhu cầu dùng điều hòa tăng cao. Hơn nữa, tôi và em trai cũng ở nhà thường xuyên nên sử dụng điện cũng nhiều hơn", chị nói.
Thực tế, những ngày này, nhiều người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 (chốt trong khoảng 15/5 đến 15/6). Điểm chung là hóa đơn tiền điện tháng vừa qua tăng cao, gấp 2-4 lần so với tháng trước đó.
Nhà nhà đều tăng
Gia đình chị Linh (Gia Lâm, Hà Nội) gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Chị cho biết trung bình mỗi tháng, tiền điện nhà chị khoảng 1,3 triệu đồng, nhưng tháng vừa rồi chị nhận hóa đơn điện tới gần 3 triệu đồng. "Vì mình sinh em bé ở nhà cả ngày nên dùng điều hòa thường xuyên, tiền điện sinh hoạt cứ thế tăng đều đều hơn trước", chị nói.
Nhiều hộ gia đình ở miền Trung cũng ghi nhận tình trạng tiền điện tăng mạnh. Chị Hoài ở Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết nhà chị có 3 người gồm vợ chồng chị và một con nhỏ. Những tháng bình thường, mùa đông cũng như mùa hè, tiền điện nhà chị khoảng 600.000-700.000 đồng/tháng.
"Tháng 5- 6 nắng nóng cao điểm lại trùng với thời gian nghỉ hè nên nhà tôi dùng điện sinh hoạt nhiều, bật thêm điều hòa từ 20h tối đến 4h nên tiền điện vừa đóng lên tới 1,5 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với bình thường”, chị nói.
Tá hỏa khi nhận hóa đơn điện tháng 6 với tổng số tiền lên tới hơn 1,4 triệu đồng, gấp 3-4 lần so với mức bình quân hàng tháng, chị Phượng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết tháng trước tiền điện của chị chỉ khoảng 400.000 đồng. “Sống một mình, đi làm cả ngày chỉ dùng điều hòa vào buổi tối nhưng không hiểu sao tháng trước chỉ 145 kWh điện nhưng tháng này số công tơ nhảy lên tận 543 kWh”, chị nói.
"Vẫn biết mùa nắng nóng dùng điều hòa, tiêu thụ điện nhiều hơn nhưng không ngờ lại tăng cao đến như vậy", chị Phượng thở dài.
Tiêu thụ điện lập đỉnh vì nắng nóng
Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, học sinh nghỉ hè cùng với việc dịch bệnh Covid-19 khiến tỷ lệ người làm việc online tại nhà nhiều hơn… là một số lý do đẩy hóa đơn tiền tiện gia đình tăng mạnh.
Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy diễn biến thời tiết nắng nóng cực đoan diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ ngày 16/6 trở lại đây đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc nói riêng và toàn quốc nói chung không ngừng tăng lên.
Cụ thể, theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, vào trưa 21/6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000 MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146 MW. Riêng khu vực miền Bắc và riêng TP Hà Nội cũng đã lập mức đỉnh kỷ lục mới, với công suất đỉnh mới của miền Bắc là 18.700 MW và của TP Hà Nội là 4.700 MW.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30-15h, buổi tối từ 20-23h. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Trao đổi với Zing, PGS TS Lê Nguyên Minh, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, cho biết ở Việt Nam phần lớn các gia đình có mức tiêu thụ điện trung bình khoảng 300 kWh/tháng, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, từ tháng 5-9, mức tiêu thụ điện sẽ tăng khá cao, gấp khoảng 2 lần.
Theo ông, do cách tính giá điện từ bậc 5-6 (từ 300kWh trở lên) chênh lệch khá cao so với giá điện bậc từ 1-4 (dưới 300kWh), khoảng 38%. “Có nghĩa, nếu lượng điện tiêu thụ vượt 300kWh/tháng thì hộ gia đình phải chịu mức giá cao hơn. Đó là lý do làm giá điện tăng vọt lên”, ông giải thích.
Bên cạnh đó, PGS TS Lê Nguyên Minh cho biết vào những tháng bình thường không dùng điều hòa, một gia đình 3-4 người thường dùng hết khoảng 700.000 đồng tiền điện. Vào những tháng có điều hòa, tuỳ thuộc vào số lượng và công suất điều hòa sử dụng, mức tăng sẽ khác nhau.
Cụ thể, nếu chỉ dùng 1 điều hòa công suất 12.000 BTU sẽ tăng thêm khoảng 200 kWh/tháng, tương đương tăng thêm 630.000 đồng/tháng.
Nếu dùng máy 12.000 BTU cộng thêm một máy công suất 9.000 BTU thì số tiền tăng thêm khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, gấp 2,5 lần so với tháng không dùng điều hòa.
"Do vậy, công suất và mức độ sử dụng điều hòa ảnh hưởng lớn đến số tiền điện mà gia đình phải trả”, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng cho phép lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trước đó, khi xây dựng các kịch bản cho biểu giá điện sinh hoạt, Bộ đề nghị lấy phương án giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang (thay vì 6 bậc thang như hiện hành).
Trong đó, giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101-200 kWh; bậc 3 mới từ 201-400 kWh; bậc 4 mới từ 401-700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng biểu giá bán lẻ điện hiện tại đã quá lỗi thời khi mức sử dụng điện của các hộ dân ngày càng tăng lên. Trong khi đó, nếu tính như hiện tại, chỉ cần mức sử dụng tăng lên 1-2 bậc, thì mức tiền điện phải trả tăng cao hơn.