19/06/2021 01:42

Tiêu dùng trong tuần (từ 14-21/6/2021): Giá vàng, thực phẩm, trái cây đồng loạt giảm mạnh

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, thịt heo, thịt gà, rau xanh, xoài, bưởi da xanh, chuối đồng loạt giảm mạnh.

Giá vàng lao dốc

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.763 USD/ounce - giảm 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Tuần qua, giá vàng thế giới chịu áp lực từ cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc vào ngày 16/6. Thông tin mà FED đưa ra là sẽ giữ lãi suất đồng USD gần bằng 0% đến năm 2023. Cùng với đó, FED cho biết lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời, bởi một thời gian dài bị giãn cách do dịch bệnh, nay khi mở cửa trở lại nhu cầu mua sắm tăng mạnh là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, cơ quan này đã bàn luận rất nhiều về lãi suất và kế hoạch cắt giảm lượng mua trái phiếu, chỉ có điều thời gian bao giờ và lượng thu mua trái phiếu thu hẹp bao nhiêu thì chưa biết.

Những thông tin FED đưa ra đã giúp đồng USD có 3 phiên tăng giá liên tục. Chỉ số Dollar-Index - đo lường sức mạnh của đồng USD trong giỏ các đồng tiền chính kết phiên hôm qua ở mức 91,871 điểm, có lúc vượt ngưỡng 92 điểm, có tuần tăng mạnh 1,5%, cao nhất trong vòng 9 tháng qua.

Khi đồng USD tăng giá đã khiến vàng trở lên đắt đỏ, giới đầu tư đã bán mạnh để nắm giữ tiền hoặc chuyển kênh đầu tư mới.

Chốt tuần, giá vàng thế giới đã giảm hơn 100 USD/ounce so với giá mở cửa tuần và giảm hơn 113 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối tuần trước.

Ở một số phân tích cho thấy, FED đã kích hoạt đồng USD tăng, kéo theo lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng theo là yếu tố gây áp lực lên vàng. Nhưng sự lao dốc của vàng còn bởi, việc bán thái quá của nhà đầu tư khi giá vàng xuống dưới mức 1.800 USD/ounce.

Dự báo của chuyên gia, giá vàng có thể phục hồi trở lại, khi nhà đầu tư bình tâm nhìn nhận những vẫn đề Fed đưa ra đang ở thì tương lai.

Tuần qua, thị trường vàng trong nước cũng đi theo xu hướng thế giới, giảm mạnh. Vàng SJC tại thị trường tự do đã giảm 450.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần. Vàng SJC tại Doji giảm 400.000 đồng/lượng và tại Phú Quý giảm 550.000 đồng/lượng so với giá mở cửa phiên đầu tuần.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp trong nước, khi đồng USD tăng giá đã khiến giới đầu tư đã bán mạnh vàng để nắm giữ USD. Tuần qua, lượng người bán vàng ra trong nước tăng, chiếm khoảng 55% và mua vào chiếm 45%.

Chuyên gia và một số doanh nghiệp khuyến cáo, nhà đầu tư không nên bán tháo vàng. Bởi mọi quyết định của FED còn ở phía trước. Nếu lạm phát tháng 6 vẫn duy trì mức tăng mạnh như vậy thì giá vàng sẽ phục hồi tích cực.

Giá thực phẩm, trái cây đồng loạt giảm 

Theo nguồn tin từ các tiểu thương, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng mới gay gắt ảnh hưởng đến sức mua, giá một số loại thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, thủy sản… tại các chợ dân sinh bắt đầu giảm để kích thích tiêu dùng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Trong đó, ngày 27/6, giá thịt heo đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg, bán ra phổ biến ở mức giá 120.000-140.000 đồng/kg (tùy loại), dù giá heo hơi ngày 17/6 trên thị trường vẫn giữ nguyên không được điều chỉnh.

Giá thịt gà công nghiệp cũng giảm khoảng 10.000 đồng/kg do các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, trường học đã đóng cửa, bán ra ở mức 55.000-80.000 đồng/kg tùy phần thịt pha lóc. Giá trứng gia cầm cũng giảm, bán ra phổ biến ở mức 25.000/chục (trứng gà); 20.000 đồng/chục (trứng vịt)…

Giá thịt bò cũng giảm do sức tiêu thụ chậm bởi người dân e ngại với dịch bệnh viêm da nổi cục. Giá thịt bò bán tại các chợ dân sinh phổ biến ở mức 170.000-260.000 đồng/kg.

Đặc biệt, giá các loại thủy sản cũng giảm mạnh khoảng 10.000-20.000 đồng/kg, trong đó giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm do nguồn cung dồi dào. Cụ thể, tôm lột giá 140.000 đồng/kg (giảm khoảng 20.000 đồng/kg), tôm nuôi cỡ lớn: 200.000 đồng/kg (giảm khoảng 22.000 đồng/kg); cá nục 1 nắng: 90.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg)…

Theo nguồn tin từ các chợ đầu mối, giá rau củ, thực phẩm ngày 17/6 tại TP Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa dừng đà giảm, tiếp tục giảm thêm từ 1.000-3.000 đồng/kg. Tại TP Hồ Chí Minh, giá các loại rau giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg tùy loại. Rau cải xanh, cải ngọt bán ra ở mức 12.000 đồng/kg; rau mùng tơi: 11.000 đồng/kg; bí xanh: 8.000-10.000 đồng/kg…

Tại ĐBSCL giá xà lách 11.000 đồng/kg, củ cải trắng 12.000 đồng/kg, mùng tơi: 10.000 đồng/kg, đậu quả các loại: 10.000-12.000 đồng/kg...

Cùng với giá thực phẩm và rau củ, giá trái cây cũng giảm mạnh. Tại các chợ miền Bắc, giá xoài Úc: 25.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), xoài xanh: 15.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg), quýt đường: 30.000 đồng/kg (giảm 5.000 đòng/kg), mận: 20.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg), vải thiều loại ngon: 20.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg) do đang mùa thu hoạch rộ.

Tại ĐBSCL, bưởi da xanh loại 1: Giá 22.000 đồng/kg, loại 2 giá 18.000 đồng/kg, mít 8.000/kg, măng cụt 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Chuối xiêm rớt giá 

Trồng nửa ha chuối, ông Tuấn ở Kon Tum cho biết, 2 tuần nay rất ít thương lái đi thu mua trong khi vườn chuối nhà ông đã đến ngày thu hoạch. Thay vì bán xô hàng loạt để xuất khẩu như trước, nay ông bán lác đác mỗi ngày chỉ vài buồng cho dân buôn trong nước.

"Hôm qua tôi bán trước 2 tạ (7 buồng), với giá 1.500 đồng một kg. Năm nay, cả vườn chắc chỉ thu được 2-3 triệu đồng trong khi năm ngoái lên tới 15 triệu đồng", ông nói và cho biết, nếu không bán cũng để thối và coi như mất trắng.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Không chỉ tại Kon Tum, mà ở Đồng Nai, thủ phủ trồng chuối xuất khẩu giá cũng đang giảm mạnh.

Anh Tú, người trồng chuối tại đây cho biết, năm nay dịch bệnh bùng phát mạnh nên thương lái mua chuối để xuất khẩu chậm lại. Do đó, với những vườn trái đẹp giá cũng chỉ 5.000-7.000 đồng một kg, giảm 50% so với năm ngoái.

Thừa nhận giá chuối đang biến động thất thường, anh Hòa, thương lái tại vùng này cho biết, giá chuối bán trong nước giảm khá mạnh, có vườn anh chỉ mua 3.000-5.000 đồng một kg. Riêng với loại chuối già xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản, giá 6.000-7.000 đồng một kg, giảm 30-50% so với năm ngoái.

Giá rớt mạnh, theo anh Hòa là do dịch bệnh phức tạp khiến thị trường nội địa gặp khó trong khâu lưu thông, vận chuyển. Còn thị trường xuất khẩu cũng giảm mua. Nhất là thị trường Trung Quốc (nơi tiêu thụ lớn) gần đây gia tăng diện tích trồng chuối nên lượng thu mua của họ giảm dần.

Trao đổi với báo chí, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Trảng Bom, Đồng Nai) cũng thừa nhận, năm nay xuất khẩu chuối chậm nên giá đi xuống khá mạnh. Ngoài nguyên nhân về dịch bệnh, hiện các thị trường xuất khẩu đều giảm mua. Trong khi đó, diện tích trồng chuối ngày càng gia tăng khiến nguồn cung dồi dào.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá chuối Trung Quốc nhập khẩu tháng 4 còn 540,21 USD một tấn, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài nguyên nhân dịch bệnh, một vài khu vực sản xuất không bảo đảm nhiệt độ bảo quản, chuối chín nhanh, dễ hư hỏng khiến chất lượng giảm sút nên giá giảm.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang vào mùa chuối nên dư thừa nguồn cung. Trong khi đó, các loại trái cây nhiệt đớt đang rộ vụ, giá rẻ khiến chuối bị cạnh tranh mạnh.

Theo tieudung.vn

Sunny Nguyễn

Link nội dung: https://eranet.vn/tieu-dung-trong-tuan-tu-14-2162021-gia-vang-thuc-pham-trai-cay-dong-loat-giam-manh-49.html