Trong năm 2022 từ những thông tin của các ngành chức năng về tình hình kinh tế xã hội Việt nam trong 09 tháng đầu năm cho thấy, sự nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội… sớm khắc phục những khó khăn, thách thức.
Từ đây, cho thấy việc tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Lực lượng lao động tăng nhanh, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 giảm mạnh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học. Theo đó, các công nghệ mới ra đời sẽ là sự liên kết các lĩnh vực lý - sinh, cơ - điện tử - sinh… từ đó hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có sự liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc.
Những nghề nghiệp như chuyên gia phân tích dữ liệu hay nhà phát triển ứng dụng hiện tại không còn “độc quyền” của ngành công nghệ thông tin và truyền thông, mà đã trải rộng khắp các lĩnh vực khác như tài chính - đầu tư, truyền thông tin tức - giải trí. Nhu cầu nhân lực có kĩ năng phân tích dữ liệu và ICT đang có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Thị trường lao động hiện tại và tương lai có rất nhiều ngành nghề cho học sinh lựa chọn. Để có thể thành công, trước hết điều quan trọng nhất là sự phù hợp, tự tin và yêu nghề.
Theo đánh giá và nhận định của các chuyên gia, việc phân tích thị trường lao động đối với các nhóm ngành nghề truyền thống có nhu cầu phát triển cao, thu hút nhân lực theo xu hướng CMCN 4.0:
- Công nghệ kỹ thuật chiếm tỷ trọng 35% trong tổng nguồn nhân lực, các xu hướng công nghệ hàng đầu như: Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain, Robot… Công nghệ thông tin và Điện tử, Cơ khí - Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Cơ điện tử, Công nghệ hóa, Năng lượng, Công nghệ chế biến thực phẩm.
- Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Logistics trên nền tảng Công nghệ thông tin và công nghệ mới, Digital Marketing, Quản lý đô thị, Hành chính - Nhân sự, Tài chính - Ngân hàng - Công nghệ tài chính và Pháp luật: Chiếm 33% tỷ trọng nguồn nhân lực. Mặc dù nhóm ngành này được nhiều học sinh lựa chọn và có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất, tuy nhiên thị trường nhân lực vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực giỏi. Lý do chính là nhiều nhân lực qua đào tạo chưa đạt về kỹ năng thực tiễn.
- Khoa học tự nhiên: Gồm các ngành Kiến trúc, Xây dựng, Môi trường, Cấp thoát nước, các ngành học liên quan đến hạ tầng như, công nghệ xây dựng giao thông (gắn với thông minh và tăng trưởng xanh), Thiết kế, Truyền thông, Mỹ thuật.
- Khoa học xã hội: Trong đó đặc biệt là nhóm ngành về du lịch - du lịch thông minh trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, nhà hàng khách sạn và biên phiên dịch.
- Sư phạm thế hệ 4.0, gắn liền với công nghệ: Hiện nay phần lớn các trường, các cấp độ vẫn đang áp dụng các phương pháp dạy truyền thống trong khi cần sự chuyển đổi, nên cần những giáo viên giỏi, đa năng.
- Chăm sóc sức khỏe: Áp dụng công nghệ kỹ thuật vào y tế, vì vậy cần có đội ngũ bác sỹ, dược sỹ, diều dưởng, y tá, kỹ thuật viên giỏi và các ngành nghề chăm sóc sắp đẹp.
- Công nghệ cao trong Nông nghiệp và Công nghệ sinh học: Là nhóm ngành chiến lược, cần nguồn nhân lực lớn (đáp ứng hiệp định CPTPP) ở các vùng nông nghiệp trên cả nước.
- Văn hóa thể dục - thể thao: Chiếm tỉ trọng ít, nhưng trên thực tế để đào tạo ra một nguồn nhân lực thực sự chất lượng và đáp ứng đúng nhu cầu xu hướng phát triển xã hội.
Theo dự báo, những năm tới trong giai đoạn 2025 - 2035, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Vì vậy nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động.