Từ ngày 28-10, UBND TP HCM chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ nhưng phải kết thúc hoạt động trước 21 giờ hằng ngày và không bán, không phục vụ rượu bia, trừ quận 7 và TP Thủ Đức.
Ngày 27-10, UBND TP HCM đã có công văn khẩn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, UBND TP HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28-10 và phải đảm bảo một số điều kiện.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trừ hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ hoạt động đến 21 giờ, không quá 50% công suất và không bán, không sử dụng đồ uống có cồn.
Các điểm bán hàng cũng phải đáp ứng quy định theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM ban hành.
Căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, TP HCM cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn do Chủ tịch UBND quận 7 và TP Thủ Đức quyết định. Thời gian thí điểm đến ngày 15-11.
Sau khi thí điểm, Chủ tịch UBND quận 7, TP Thủ Đức đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất UBND TP HCM nhân rộng các địa bàn khác.
Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM đã có Quyết định điều chỉnh, bổ sung liên quan đến việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, 4 tiêu chí để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP HCM được hoạt động:
1. Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
2. Khách hàng phải thực hiện nghiêm 5K; quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
3. Nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao - nhận hàng, người đến liên hệ cơ sở (người làm việc) thực hiện nghiêm 5K; quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Người làm việc tại cơ sở phải tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc mắc Covid-19 khỏi bệnh dưới 6 tháng. Cơ sở phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc khi người làm việc có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất khứu giác và vị giác, khó thở...
4. Chủ cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở; có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở cùng một thời điểm (có bảng thông báo rõ tại cơ sở); báo cáo phương án tổ chức kinh doanh, biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, giám sát.
Ngày 11-10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Nghị quyết nêu mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Sau gần 2 tuần kể từ khi Nghị quyết 128 được ban hành, UBND TP HCM đã chính thức công bố cấp độ dịch toàn thành phố và từng quận, huyện, TP Thủ Đức hôm 24-10.
Theo đó, toàn thành phố dịch đang ở cấp 2 là vùng vàng- nguy cơ trung bình.
Còn ở cấp quận, huyện có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vàng xanh – bình thường mới), gồm TP Thủ Đức, quận 1, quận 7, quận 8, quận 10, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi.
12/22 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng- nguy cơ trung bình), gồm quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 11, quận 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Chỉ có một địa phương đạt cấp độ 3 (vùng cam- nguy cơ cao) là quận Bình Tân.
Với cấp độ dịch ở mức 2, theo Nghị quyết 128, TP HCM có thể nới lỏng thêm một số biện pháp về hoạt động đi lại, sản xuất. Cụ thể, ăn uống tại chỗ, hàng rong, vé số dạo... có thể được hoạt động. Các hoạt động khác như giáo dục trực tiếp có thể thực hiện hoặc thực hiện hạn chế; tương tự với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Theo Báo Người lao động