15/04/2022 04:25

TP. Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số!

Sáng ngày 15-4, Diễn đàn kinh tế TP. HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: động lực tăng trưởng và phát triển TP. HCM trong tương lai” đã khai mạc, thu hút hơn 1.000 diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Doanh nghiệp, khách mời xem công nghệ chuyển đổi số tại sự kiện

Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Diễn đàn kinh tế năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố, nhất là trong bối cảnh thành phố vừa vượt qua biến cố chưa từng có trong lịch sử bởi đại dịch Covid-19.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, giai đoạn hiện nay thế giới có 2 nền kinh tế: nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế truyền thống. Nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ, đến mức lấn áp nền kinh tế truyền thống.

TP. HCM đặt mục tiêu nền kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP TP. HCM.

Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế – xã hội. “Song, cũng chính từ trong ứng phó với dịch, môi trường chuyển đổi số có cơ hội phát triển mạnh mẽ phục vụ công tác phòng chống dịch, giảm tác động tiêu cực từ đại dịch”, ông Nên nói.

Nhấn mạnh diễn đàn kinh tế được tổ chức hôm nay có ý nghĩa quan trọng đối với TP. HCM, Bí thư Thành ủy cho biết thành phố sẽ cầu thị lắng nghe tất cả ý kiến của các chuyên gia, nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm mô hình chuyển đổi số. Cùng với đó, kiến tạo cơ chế, chính sách chuyển đổi số để phát triển kinh tế số mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trước mắt và lâu dài.

“Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực”, ông Nên nhận định.

Tại sự kiện, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết việc chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, xác định là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số, theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, TP. HCM đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%.

Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. “Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP. HCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực”, Phó Thủ Tướng nói.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số thành công, ông Khái đề nghị TP. HCM cần thực hiện những công việc cụ thể gồm tiếp tục đẩy mạnh môi trường đầu tư; tăng cường hợp tác trao đổi, học hỏi hợp tác với các đối tác, bạn bè quốc tế và vận dụng linh hoạt; triển khai nhanh chóng các chiến lược quốc gia về kinh tế số, chuyển đổi số; nâng cao nhận thức trình độ, kỹ năng nhân lực thông qua chuyển đổi số và kinh tế số và cuối cùng là chú trọng bảo đảm an toàn an ninh mạng…

Lắng nghe góp ý của chuyên gia

Quang cảnh diễn đàn.

Diễn đàn kinh tế TP. HCM là sự kiện thường niên, cơ hội để lãnh đạo TP. HCM trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tổng hợp các nhiệm vụ cụ thể giúp thành phố phát triển kinh tế bền vững.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM, cho biết năm nay với chủ đề kinh tế số, TP. HCM kỳ vọng thông qua diễn đàn sẽ xác định được tầm nhìn và đưa ra thông điệp của thành phố về định hướng xây dựng, phát triển TP. HCM thành đô thị thông minh.

Theo ông Mãi, trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 và nhiều thay đổi, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số.

Dó đó, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP. HCM giai đoạn 2022-2025”, thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số.

Thành phố sẽ hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Trong kế hoạch phát triển TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2023, mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của TP. HCM là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

TP. HCM đặt tầm nhìn đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội TP. HCM giai đoạn 2022 – 2025, đến hết năm 2022, TP. HCM sẽ khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Từ năm 2023 đến 2025, TP. HCM tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TP. HCM, tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của thành phố.

Người đứng đầu chính quyền TP. HCM cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các giải pháp thiết thực, đi thắng vào các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, quyết tâm khắc phục.

“Ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đât đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…”, ông Mãi nói.

Khôi Lê

Link nội dung: https://eranet.vn/tp-ho-chi-minh-trien-khai-manh-me-chuyen-doi-so-xay-dung-nen-kinh-te-so-50.html