Các nhà mua hàng thế giới nhìn nhận Việt Nam đang trở thành điểm cung ứng hàng hóa mới và quan trọng. Do đó, các nhà sản xuất cần có bước chuẩn bị tốt khi thị trường khởi sắc trở lại.
Theo ông Hu Wei, Giám đốc điều hành Global Sources, trong bối cảnh Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, ông nhận thấy những nhà mua hàng B2B quốc tế bắt đầu tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam và các nước lân cận. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình thành trung tâm sản xuất toàn cầu, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao, giá cả cạnh tranh nên rất được ưa chuộng.
“Việt Nam đang được thế giới đặc biệt chú ý về nguồn cung ứng hàng hoá. Những năm gần đây, rất nhiều khách hàng của chúng tôi muốn đa dạng hóa sản phẩm của họ. Ngay cả trong thời điểm cả thế giới gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ghi nhận lượng người mua tăng lên do các nhà mua hàng quốc tế cần đa dạng hóa nguồn cung ứng”, ông Hu Wei, CEO của Global Source (Hồng Kông), trả lời câu hỏi của KTSG Online vì sao chọn thời điểm kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn này để tổ chức sự kiện triển lãm nguồn cung ứng quốc tế tại Việt Nam (Global Sourcing Fair Việt Nam) – dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4-2023.
“Hàng loạt các nhà mua hàng từ Mỹ, châu Âu, châu Á đề nghị chúng tôi kết nối nguồn hàng giá rẻ từ Việt Nam và các nước lân cận. Trong đó, các nhà nhập khẩu Mỹ, EU muốn chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường cung ứng truyền thống như Hồng Kông, Nhật Bản sang Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Ngoài ra, chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện, giá cạnh tranh nên được nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia trên ưa chuộng”, ông nói.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm nguồn cung ứng sản phẩm ngày càng tăng từ Việt Nam và khu vực Asean, việc tổ chức triển lãm chính là cầu nối giao thương trực tiếp cho người mua và nhà cung cấp. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 6.000 người mua đến từ Mỹ, châu Âu, châu Á…
Theo giới phân tích việc đóng cửa nhà xưởng, sụt giảm mạnh đơn hàng, sa thải lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay được cho là do ảnh hưởng khó khăn chung toàn cầu. Do đó, bên cạnh xoay xở để tồn tại, các nhà sản xuất cần có bước chuẩn bị tốt khi thị trường khởi sắc trở lại.
Đơn cử như ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn vì bị sụt giảm mạnh đơn hàng. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm.
“Khó khăn giai đoạn này mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, đối với ngành dệt may thứ nhất là vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Thứ hai phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường. Chính vì vậy, giải pháp xoay quanh trọng tâm là giữ được hai tài sản chiến lược này. Đồng thời, tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động…
Doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều thách thức và sự bất ổn khi mà xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, chủ nghĩa đa phương lên ngôi, suy thoái kinh tế và sự sụt giảm nhu cầu tiếp tục lan rộng…
Cho đến nay chưa có một câu trả lời chắc chắn nào dành cho tình hình thế giới. Nhiều dự đoán về năm mới đã được đưa ra với nhiều hy vọng dành cho việc kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong khoảng thời gian nửa cuối năm, mở đường khôi phục “sức khỏe” cho những doanh nghiệp sản xuất. Do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đón lấy cơ hội này.