Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng muốn thâu tóm các nhà máy in ấn và bao bì Việt Nam để nhanh chóng tham gia thị trường được cho là có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, đã chia sẻ như trên bên lề sự kiện Triển lãm quốc tế lần thứ 21 ngành công nghiệp bao bì và in ấn 2023 (VietnamPrintPack 2023) được khai mạc vào ngày 27-9 tại SECC, TPHCM.
Là ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp nên việc sụt giảm đơn hàng sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp nhiều ngành nghề, theo ông Dòng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp in ấn và bao bì trong nước.
Do đó, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng dương 2 con số, và thấp nhất cũng có mức tăng trưởng 8-9% mỗi năm thì năm nay ngành in ấn và bao bì Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm.
“Dự báo mức sụt giảm khoảng 10% và đây cũng là lần đầu tiên ngành in ấn trong nước chứng kiến một năm hoạt động bị tăng trưởng âm”, ông Dòng nói, và ông cho rằng việc sụt giảm này là do ảnh hưởng chung của khó khăn kinh tế thế giới, nhu cầu thị trường toàn cầu sụt giảm khiến hàng hóa sản xuất của Việt Nam làm ra bị sụt giảm theo.
Dù vậy, người đứng đầu ngành in ấn tin tưởng doanh nghiệp in ấn và bao bì trong nước sẽ sớm tăng trưởng trở lại khi kinh tế toàn cầu tăng trở lại. Đáng chú ý là xu hướng đầu tư vào sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển đến Việt Nam.
“Khi sản xuất công nghiệp tăng cao thì nhu cầu in ấn và bao bì sẽ tăng lên theo”, ông Dòng nói, và cho biết đang có hiện tượng các doanh nghiệp in ấn và bao bì của các nước trong khu vực châu Á tìm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
“Thời gian qua có nhiều đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… tìm đến chúng tôi để tìm hiểu về thị trường, công nghệ sản xuất… của ngành in ấn và bao bì trong nước”, ông Dòng chia sẻ, và ông cho rằng việc tìm hiểu này là họ nhìn thấy thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam cho sản xuất công nghiệp đang tăng cao và tiếp tục sẽ tăng khi mà đầu tư nước ngoài ngày càng hướng đến.
“Đây sẽ cơ hội cho ngành in ấn và bao bì phát triển nhưng cũng là áp lực lớn về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngành này”, ông Dòng nhìn nhận.
Theo ông Dòng, những doanh nghiệp này sẽ đầu tư sản xuất tại Việt Nam, thậm chí là mua lại phần lớn cổ phần hoặc thâu tóm các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp trong nước để tận dụng nhà xưởng, công nghệ và lưc lượng lao động lành nghề sẵn có nhằm có thể nhanh chóng tham gia thị trường.
Đáng chú ý là doanh nghiệp Trung Quốc, ông Dòng cho biết trong năm nay có hàng trăm doanh nghiệp ngành này tìm đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư và kinh doanh.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam trong ngành do áp lực cạnh tranh và không có lực lượng kế thừa phát triển nên cũng đã quyết định bán doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng chú ý những giao dịch này không chỉ xảy ra với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa mà cả những công ty quy mô lớn.
“Những doanh nghiệp này cho biết giá thâu mua của nhà đầu tư ngoại khá cao trong khi họ ngày càng bị áp lực cạnh tranh khá lớn của nhà sản xuất ngoại nên quyết định bán”, ông Dòng nói, và cho rằng có hàng chục doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đã rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, và ông dự báo xu hướng này tiếp tục tăng vì tâm lý bị cạnh tranh cao với nhà sản xuất ngoại của doanh nghiệp Việt ngày càng cao.
Theo ông Dòng, hiện có khoảng trên dưới 400 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ngành này ở Việt Nam, nhưng họ chiếm chi phối cho những dòng sản phẩm xuất khẩu vì có lợi thế về công nghệ, thị trường cũng như đáp ứng được yêu cầu của các nhà mua hàng, thị trường quốc tế…
Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển đáng kể, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước gia tăng kéo theo sự phát triển về dịch vụ in ấn, bao bì và đóng gói. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang đối mặt với một thách thức lớn là sự khan hiếm của các nhà cung cấp nguồn hàng chất lượng cao.
Trong khi đó, theo bà Judy Wang, Chủ tịch Công ty triển lãm Yorkers, một đơn vị tham gia tổ chức VietnamPrintPack 2023, cho rằng hiện nay, với sự phát triển của thương mại điện tử và sự tăng trưởng của thị trường trong nước, các công ty ngày càng nhận thức sâu rộng hơn về sự cần thiết trong việc tạo dấu ấn tượng thương hiệu thông qua việc cải tiến bao bì và chất lượng sản phẩm.
“Dự kiến ngành công nghiệp in ấn và bao bì sẽ tăng trưởng hơn 13% mỗi năm, cho thấy tiềm năng và dư địa phát triển là rất đáng kể. Chúng tôi kính mời các doanh nghiệp đến tham quan triển lãm và nắm bắt cơ hội quý báu này để gặp gỡ đối tác và phát triển hợp tác kinh doanh trong tương lai”, bà Judy Wang nói.
VietnamPrintPack 2023 – Triển lãm quốc tế lần thứ 21 ngành công nghiệp bao bì và in ấn là một trong những triển lãm quốc tế hàng đầu về chuyên ngành bao bì, in ấn tại Việt Nam diễn ra từ ngày 27 đến 30-9-2023.
Sự kiện quy tụ hơn 910 gian hàng của 411 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Slovakia, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Anh, Mỹ và Việt Nam.