Trong quá trình tham gia hoạt động hướng nghiệp cho học sinh trong năm học 2024 - 2025, nhiều câu hỏi về xu hướng nhân lực ngành kinh tế - dịch vụ thể dục thể thao, vì vậy bài viết này nhằm khái quát cung cấp những thông tin cơ bản và cụ thể.
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024, mục tiêu chung nhằm xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao (TDTT).
Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao nước nhà. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp đến năm 2045.
Nói đến nhóm ngành nghề lĩnh vực TDTT, ngoài các vận động viên chuyên nghiệp còn cung cấp một loạt những lựa chọn nghề nghiệp công việc như huấn luyện và đào tạo về chuyên môn, nhà báo thể thao, hoặc đại lý bán đồ thể thao, tổ chức sự kiện thể dục thể thao, nghiên cứu thị trường thể thao, quản lý công trình thể thao ở các trường quốc tế, đại học nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực thể dục thể thao…
Có thể khái quát các thành phần của nguồn nhân lực thể dục thể thao bao gồm, lao động chuyên môn (giảng day huấn luyện, tổ chức thi đấu và trọng tài...), lao động quản lý, lao động dữ liệu (kỹ thuật viên, thư ký...) lao động cung cấp dịch vụ và lao động sản xuất hàng hóa thể dục thể thao.
Hoạt động kinh tế dịch vụ thể dục thể thao có bước phát triển mạnh mẽ, những thông tin tại Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 và Tọa đàm “Đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm”, do Bộ Văn Hóa Thể thao Du lịch tổ chức ngày 4/5/2024, cho thấy giai đoạn 2025 - 2030 tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục, thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thể dục, thể thao.
Dịch vụ TDTT hiện đang phát triển mạnh mẽ, nhờ nhu cầu nâng cao sức khỏe và thể chất của người dân ngày càng tăng. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã đầu tư mở rộng các cơ sở kinh doanh TDTT với nhiều loại hình như quần vợt, yoga, gym, bơi lội, aerobic, dân vũ... Các cơ sở cũng không ngừng cải thiện điều kiện vật chất và nâng cao trình độ huấn luyện viên để thu hút người tập.
Kinh tế và Marketing thể thao - tổ chức sự kiện - thể thao điện tử… theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động, phục vụ cho các hoạt động TDTT, như sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, truyền thông, marketing, chứng khoán...). Chuyên ngành Kinh tế và Marketing thể thao trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng quản lý kinh doanh dịch vụ thể thao; quản lý, vận hành kinh doanh câu lạc bộ thể thao; chuyên viên tư vấn tài chính và khai thác thị trường thể thao; quản lý truyền thông, tổ chức sự kiện thể thao...
Vì vậy trong bối cảnh phát triển thị trường lao động thời gian tới, cần nhiều giải pháp thực hiện định hướng chiến lược phát triển xác định rõ vị trí nghề nghiệp của cơ cấu nhân lực ngành TDTT, tăng cường việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh yêu thích các nhóm ngành thuộc lỉnh vực ngành thể thao và kinh tế dịch vụ TDTT là điều rất cần thiết. Đồng thời nâng cao năng lực quy mô và chất lượng đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, ngành kinh tế dịch vụ TDTT, sẽ góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.