Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát khi thị trường cho thấy lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Tư này đạt cao nhất từ trước đến nay với 15.000 doanh nghiệp.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 80.500 doanh nghiệp, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, nếu tính cả số doanh nghiệp tạm dừng trước đó và giờ quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng Tư gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Với 15.000 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký đạt 164,1 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 104,8 nghìn lao động, tăng 4,9% về số doanh nghiệp, giảm 15,3% về vốn đăng ký và tăng 11,7% về số lao động so với tháng 3-2022.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 0,9% về số doanh nghiệp, giảm 8,8% về số vốn đăng ký và tăng 10,7% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,9 tỉ đồng, giảm 19,2% so với tháng trước và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 63,6% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 635,3 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký 348,2 nghìn lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 1,2% về vốn đăng ký và tăng 2,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỉ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 1.345,5 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2022 là 1.980,8 nghìn tỉ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 30.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 80.500 doanh nghiệp, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, trong tháng Tư, cả nước có 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,1% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.762 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,1% và giảm 32,9%; có 1.227 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% và giảm 20,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 41.000 doanh nghiệp, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước; 15.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,7%; gần 5.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17,5%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%.
Cơ quan thống kê nhận định rằng kết quả trên cho thấy các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trước đó, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có nhận định về các yếu tố thuận lợi tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong những tháng đầu năm nên lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng cao.
Đó là việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nền kinh tế đang có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong quý I/2022.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá các nhóm giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ toàn diện, có ý nghĩa hết sức tích cực, như một “liều thuốc” hữu hiệu giúp doanh nghiệp phục hồi, cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cũng như thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế của đất nước sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để phục hồi và phát triển.
Mặt khác, các địa phương trên cả nước đã dần thích ứng theo đúng tinh thần chủ động nhằm thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời, triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mùa xuân năm 2022.
Cùng với đó, ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn với chính sách nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho khách quốc tế. Điều này hứa hẹn sẽ tác động tích cực cho nền kinh tế sau khoảng thời gian dài dịch bệnh.
Các yếu tố trên đã phần nào đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện ở những tín hiệu rất tích cực từ tình hình đăng ký doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2022.
Ở phía hiệp hội và nhà kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết tình hình kinh doanh đang phục hồi trở lại. Nhiều nhà gia công, sản xuất xuất khẩu của nhiều ngành nghề như may mặc, đồ gỗ, da giày, điện tử… cũng cho biết đơn hàng ngày càng gia tăng.
Ở lĩnh vực thương mại, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, một doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thị trường, cho biết từ sau giãn cách và đặc biệt từ thời điểm trước Tết cho đến nay, kinh tế Việt Nam dần hồi phục, lượng khách hàng dần quay trở lại các trung tâm mua sắm (TTMS) và siêu thị nhiều hơn. Theo đó, hoạt động kinh doanh của AEON trong những tháng đầu năm cũng khá khả quan.
Người dẫn dắt nhà bán lẻ Nhật Bản ở Việt Nam này tin rằng từ khoảng nửa cuối năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng bình thường trở lại và AEON Việt Nam đang cố gắng lấy lại mức tăng trưởng như thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.