Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất chương trình hỗ trợ phát triển bền vững ngành dệt may theo chiến lược đến năm 2030 với kinh phí đề xuất là 435,6 tỉ đồng nhằm thực hiện 8 nhiệm vụ.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nêu đề xuất này tại hội nghị Ngày truyền thống Dệt may Việt Nam được tổ chức chiều 24-3-2023 tại TPHCM.
Theo ông Trương Văn Cẩm, ngành dệt may là ngành công nghiệp phát triển nhanh nhờ hội nhập. Nếu như năm 2001 kim ngạch xuất khẩu của ngành mới chỉ đạt 1,96 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2022 đã tăng lên 44,4 tỉ đô la, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh.
Ngành dệt may hiện cũng đang đứng đầu cả nước về thâm dụng lao động (khoảng 2 triệu lao động công nghiệp và gần 1 triệu lao động kinh doanh thương mại và dịch vụ).
Tuy nhiên, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, đặc biệt dệt nhuộm tạo ra điểm nghẽn. Phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp; tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, hiệu quả thấp. Hiện rất ít doanh nghiệp xuất khẩu được bằng thương hiệu riêng…
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Cẩm, là do việc đầu tư vào dệt nhuộm đòi hỏi vốn lớn, lao động trình độ kỹ thuật cao và không được ưu tiên do những quan ngại về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực về quản lý chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro, thiếu năng lực về thương mại, tiếp cận khách hàng, thiết kế sản phẩm.
Trong bối cảnh đó, vào cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035.
Đáng chú ý, chiến lược này đưa ra mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giai đoạn 2021-2030 đạt 6,8 – 7,2%, trong đó giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt 7,5-8%. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50 – 52 tỉ đô la và năm 2030 đạt 68 – 70 tỉ đô la; tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may 2021 – 2025 đạt 51 – 55% và giai đoạn 2026 – 2030 đạt 56 – 60%.
Đối với tầm nhìn đến 2035, chiến lược đưa ra mục tiêu phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu dệt may đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững và thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện thời trang thu hút sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.
Nhìn vào thực tế của ngành dệt may Việt Nam hiện nay, ông Trương Văn Cẩm đánh giá những mục tiêu đề ra trong chiến lược này là một áp lực lớn đối với ngành.
Theo đó, để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược, Việt Nam cần thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp dệt may để chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu. Bởi lẽ hầu hết các KCN có hệ thống xử lý nước thải đều đã thu hút đầu tư lấp đầy như tại KCN dệt may Phố nối B, Bảo Minh, Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Bình An, Nhơn Trạch. Một số KCN như Rạng Đông, Phong Điền… tỷ lệ lấp đầy còn thấp, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về xử lý nước thải,
Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng cần phát triển khâu thiết kế, phát triển thương hiệu, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực…
Để làm được những việc này, bản thân ngành dệt may không thể đáp ứng được. Do đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất chương trình hỗ trợ phát triển bền vững ngành dệt may theo chiến lược đến năm 2030 với kinh phí đề xuất là 435,6 tỉ đồng nhằm thực hiện 8 nhiệm vụ.
Một là khảo sát hiện trạng ngành dệt may Việt Nam để nắm bắt đúng tình hình thực tế cũng như nhu cầu của ngành. Hai là nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo. Ba là hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng tái tạo…
Thứ tư, hỗ trợ trong khâu thiết kế thời trang, thiết kế sinh thái, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Thứ năm, hợp tác với đối tác nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực cho khâu sản xuất NPL, đặc biệt là dệt, nhuộm hoàn tất và thiết kế tạo mẫu. Thứ sáu, đào tạo cho doanh nghiệp về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng.
Thứ bảy, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng và cuối cùng là hỗ trợ tăng cường năng lực cho Viện, Trường đại học, cao đẳng, dạy nghề
Thông tin về tình hình thị trường dệt may từ đầu năm đến nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm 2023 mới chỉ đạt 5,53 tỉ đô la, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại, sức mua vẫn tiếp tục giảm, lượng hàng tồn kho tại các nước nhập khẩu vẫn ở mức cao.