Theo nhiều chuyên gia nhận định, chuyển đổi số không phải đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công, truyền thống (ghi chép sổ sách, họp trực tiếp...) sang vận dụng công nghệ, để giảm thiểu sức người.
Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức... Thị trường công nghệ và số hóa đang phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng của AI, học máy, robotics và các công nghệ khác, thúc đẩy tốc độ thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển này ảnh hưởng lớn đến các ngành nghề khác, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường kết nối và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (như ChatGPT), đã ảnh hưởng sâu sắc tới lực lượng lao động, đặc điểm thị trường lao động hầu hết sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào lực lượng lao động, làm sự thay đổi chất lượng cơ cấu, hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu công nghệ số.
Xét về xu hướng thị trường lao động công nghệ số bao gồm sự tăng trưởng của AI, máy học, công nghệ đám mây và các dịch vụ kỹ thuật số… Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành CNTT được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đối với phương diện sản xuất, CNTT khẳng định vai trò quan trọng của mình khi phối hợp với các ngành kỹ thuật, vận hành các hệ thống máy móc, tăng năng suất, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ở phương diện quản lý, CNTT giúp con người thu thập, phân tích, xử lý, sao lưu các dữ liệu công việc hiệu quả.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực trong thời đại số tăng cao so với yêu cầu về kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm… Thách thức cho người lao động bao gồm việc cập nhật kiến thức liên tục và thích nghi với công nghệ mới. Các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số.
Riêng khoa học số liệu mở được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành. Còn công cụ đào tạo nhân sự công nghệ số phải thật sự hiệu quả, bao gồm chương trình học, các nền tảng trực tuyến, và các chương trình chứng chỉ… Đặc biệt, phương pháp đào tạo hiệu quả bao gồm việc tích hợp học tập liên tục vào quy trình làm việc và tạo điều kiện để nhân viên phát triển kỹ năng cần thiết, thông qua trải nghiệm thực tế và học tập từ chuyên gia.
Ngoài ra, hệ thống mô phỏng tích hợp các loại công nghệ, môi trường số, kết nối vạn vật và không gian mạng sẽ trở thành công cụ sản xuất chủ yếu; phương thức sản xuất thông minh là chủ đạo; dữ liệu và thông tin sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị ngày càng lớn; các công nghệ mới đang và sẽ tác động đến thị trường lao động trí tuệ (ví dụ như AI, blockchain, IoT…), lao động kỹ năng ngày càng chi phối; trí tuệ nhân tạo, người máy sẽ dần thay thế con người trong nhiều công việc phổ biến.
Học cùng trải nghiệm là quá trình khám phá, thử nghiệm trực tiếp với kiến thức, hình thành các khái niệm và đưa ra các phân tích, kết luận của bản thân về kiến thức ấy... Học cùng trải nghiệm có vai trò truyền thụ kiến thức thực tiễn, dễ nhớ, dễ vận dụng vào cuộc sống, giúp người học được nâng lên ở vị trí trung tâm của hoạt động học tập, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo.
Yếu tố trải nghiệm, sáng tạo thể hiện ở môi trường Đại học và Giáo dục nghề nghiệp, đưa những phương pháp dạy và học mới, ứng dụng công nghệ hoặc sử dụng trang thiết bị hiện đại. Ngoài học tập kiến thức giáo khoa, người học giờ đây được tham gia các hoạt động mang tính thực tế, thực hành để trau dồi kỹ năng mềm, ngoại ngữ…
Những yêu cầu cần thiết là đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Các lớp học được tối ưu không gian, phù hợp nhiều hoạt động sự kiện, cuộc thi học thuật, thi văn hóa văn nghệ. Hơn nữa, có đến 100% sinh viên được thực tập doanh nghiệp, thực hành kiến thức đã học và làm quen với văn hóa doanh nghiệp.
Học sinh, sinh viên, người lao động có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận, lựa chọn việc làm phù hợp. Cùng một thời điểm, họ có thể tham gia làm nhiều công việc, với nhiều chủ sử dụng lao động, ở nhiều nơi khác nhau (ở trong và ngoài nước)…
Cơ hội việc làm mở rộng cho những đối tượng có chuyên môn đào tạo, năng lực, trình độ phù hợp, đáp ứng yêu mọi cầu và nhu cầu của thị trường lao động. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người lao động và doanh nghiệp nói chung, ngành CNTT nói riêng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với nhau trong các lĩnh vực, ngành nghề… cả trong và ngoài nước.
Các tổ chức, doanh nghiệp trước công cuộc chuyển đổi số phải luôn thấu hiểu xu thế toàn cầu và nâng tầm tư duy sinh viên, học sinh. Riêng người lao động cần chủ động học tập thường xuyên để phát triển năng lực, thực hành nghề nghiệp và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi...
Đồng thời luôn nắm bắt các xu hướng làm việc mới ngày càng đa dạng, ứng dụng AI vào công việc, để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển việc làm và thu nhập.