Tập đoàn đa quốc gia Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett đã “truất ngôi” của Ngân hàng Công thương Trung Quốc để giành vị trí số 1 là doanh nghiệp lớn nhất thế giới kể từ khi Tạp chí Forbes bắt đầu công bố 2.000 công ty lớn nhất thế giới (Global 2000) vào năm 2003.
Forbes vừa công bố danh sách 2.000 công ty lớn nhất trên thế giới - Global 2000, được xếp hạng dựa trên bốn tiêu chí: doanh số, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường.
Forbes cho biết, bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga-Ukraine, các công ty hàng đầu thế giới vẫn cố gắng thúc đẩy doanh số lẫn lợi nhuận năm vừa qua. Giá cổ phiếu của các công ty cũng suy giảm nặng nề khi lạm phát và thị trường sụt giảm gây cản trở cho sự phục hồi kinh tế.
Tập đoàn đa quốc gia Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett lần đầu tiên giành vị trí số 1 kể từ khi Forbes bắt đầu công bố Global 2000 vào năm 2003, “truất ngôi” của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, khi tụt xuống vị trí thứ 2 sau chín năm liên tiếp đứng đầu danh sách này.
Các tập đoàn dầu lớn trên thế giới cũng phục hồi nhanh chóng, vực dậy từ thứ hạng thấp trong năm 2021, nhờ giá dầu tăng cao.
Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil đứng ở vị trí thứ 15 bảng xếp hạng của Forbes, tăng từ vị trí 317 trong năm 2021 và tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh Shell đừng ở vị trí thứ 16, tăng từ vị trí 324. Cả hai tập đoàn này đều chứng kiến lợi nhuận tăng vọt sau khi thua lỗ trong năm 2021.
So với năm 2021, vốn hóa tối thiểu của các công ty giảm mạnh từ 8,26 tỷ USD xuống còn 7,6 tỷ USD. Song, mức tối thiểu của các chỉ số khác đều tăng so với cùng kỳ.
Global 2000 của Forbes cũng ghi nhận tổng doanh thu của các tập đoàn và doanh nghiệp thuộc danh sách này ở mức 47.600 tỷ USD, tổng lợi nhuận vào khoảng 5.000 tỷ USD, tổng giá trị tài sản đạt 233.700 tỷ USD và tổng vốn hóa thị trường ở mức 76.500 tỷ USD.
Có 58 quốc gia đại diện trong danh sách năm 2022, trong đó, Mỹ là quốc gia dẫn đầu với 590 công ty, theo sau là Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) với 351 công ty và Nhật Bản với 196 công ty.
Việt Nam có 5 đại diện trong danh sách này, nhiều nhất từ trước đến nay, gồm Vietcombank, Vietinbank, Hòa Phát, BIDV và Techcombank.
Đáng chú ý, 4/5 doanh nghiệp Việt Nam trong Global 2000 hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, duy chỉ có Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là đại diện đứng đầu với vị trí thứ 950. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) xếp ở vị trí 1.874.
Tổng vốn hóa thị trường của bốn ngân hàng Việt Nam trong danh sách này đạt 46,84 tỷ USD, trong đó giá trị thị trường của Vietcombank chiếm hơn 36%.
Liên quan đến tỉ phú Warren Buffett, ở một diễn biến khác cho thấy, trong khi các ông trùm khác mất hàng tỉ đô la vì chứng khoán trong vài tháng qua, tỷ phú đầu tư Warren Buffett vẫn chứng kiến khối tài sản ròng của mình tăng lên.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, tỉ phú Warren Buffett là một trong 2 người trong top 10 người giàu nhất thế giới chứng kiến khối tài sản tăng lên kể từ tháng 1 năm nay.
Vị CEO 91 tuổi của tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway hiện đứng vị trí giàu thứ 5 trong bảng xếp hạng của Bloomberg với tổng giá trị tài sản ròng là 112 tỉ đô la. Kể từ đầu năm nay đến thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 12/5, nhà đầu tư huyền thoại này đã kiếm thêm được 2,62 tỉ đô la.
Trong năm nay, tập đoàn Berkshire của tỷ phú Buffett đã chi 7 tỉ đô la để tăng cổ phần nắm giữ tại nhà sản xuất dầu Occidental lên hơn 14%. Đế chế đầu tư này cũng đã thêm Chevron vào danh mục 4 cổ phiếu phổ thông hàng đầu của Berkshire. Trong quý đầu năm nay, Berkshire đã chi khoảng 41 tỉ đô la mua ròng.