Ngày 14-2, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF - World Economic Forum) vừa chính thức thành lập một cộng đồng doanh nghiệp với mục tiêu hỗ trợ Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition) tại khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, Giám đốc Điều hành tập đoàn SCG và tập đoàn PETRONAS giữ vai trò đồng chủ tịch, với mục tiêu chung nhằm thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải carbon một cách thực tế và công bằng.
SCG và PETRONAS đồng sáng lập Cộng đồng mới của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới
Tại hội đàm Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023, Davos, Thuỵ Sĩ, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã triển khai cuộc họp đầu tiên về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng. Trong đó, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn SCG và ông Muhammad Taufik, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của PETRONAS được bổ nhiệm vị trí đồng chủ tịch để thúc đẩy các hoạt động chuyển dịch năng lượng tại khu vực.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn SCG, cho biết: “Cộng đồng là nơi các doanh nghiệp có nhiệt huyết và tầm ảnh hưởng hàng đầu, thuộc các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, kinh doanh nông nghiệp, vật liệu, cơ sở hạ tầng và vận chuyển tại Đông Nam Á tăng cường hợp tác công tư liên vùng và quốc tế, đồng thời thúc đẩy các chương trình hành động cần thiết để tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và toàn diện”.
Khu vực Đông Nam Á hiện có 680 triệu dân với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Các xu thế gần đây cho thấy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng đáng kể và nguồn năng lượng tái tạo thậm chí tăng gấp đôi. Mặc dù nhiều quốc gia đang nỗ lực thắt chặt các chính sách môi trường và năng lượng để đạt tới mục tiêu trung hòa carbon và giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhiệt đốt than, những hệ lụy gây ra bởi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn có khả năng làm chậm lại quá trình chuyển đổi năng lượng.
Đối với Việt Nam, lượng phát thải carbon đang có xu hướng tăng lên rõ rệt, cụ thể, khối lượng khí thải carbon đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm kể từ năm 2009. Điều này đã đặt Việt Nam trong tình trạng cấp thiết phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Gần đây nhất, Việt Nam đã đạt thỏa thuận tham gia liên minh Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition Partnerships), qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
“Thực hiện cam kết chung toàn cầu hướng đến Phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050, các quốc gia cần có những lộ trình riêng biệt cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh các chương trình hành động kịp thời, hợp tác Công - Tư trong khu vực và quốc tế đóng vai trò cần thiết để đảm bảo tương lai năng lượng công bằng và thịnh vượng cho khu vực.", ông Roongrote Rangsiyopash cho biết thêm.
Để triển khai Chuyển dịch Năng lượng Công bằng, các lãnh đạo khu vực Đông Nam Á sẽ tận dụng nền tảng hợp tác Công Tư toàn cầu của Diễn đàn để xây dựng, điều chỉnh và đẩy mạnh thực hiện các chương trình liên quan tại Đông Nam Á, phù hợp với các sáng kiến toàn cầu. Diễn đàn còn là nơi chia sẻ những hiểu biết và quan điểm về chuyển dịch năng lượng tại Đông Nam Á, đồng thời gắn kết các bên thông qua các cuộc đối thoại liên ngành, liên khu vực với sự tham gia của các nhân vật có tầm ảnh hưởng, các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội ngành và các doanh nghiệp liên quan khác trong khu vực và toàn cầu. Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Việc tham gia vào cộng đồng này là một trong nhiều nỗ lực của tập đoàn SCG để thực hiện mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Trên thực tế, SCG đã tăng tốc các hoạt động liên quan đến năng lượng tái tạo, đạt 78% mục tiêu đề ra, với dự án mạng lưới điện thông minh góp phần cắt giảm 30% chi phí năng lượng và giảm 3.670 tấn CO2 mỗi năm. Các giải pháp sản phẩm góp phần tiết kiệm năng lượng cũng được chú trọng nghiên cứu và đạt mức tăng trưởng hơn 40% trong năm 2022.
Tại Việt Nam, SCG nỗ lực cung cấp các giải pháp phù hợp và tích cực tham gia vào các hợp tác công tư để hỗ trợ triển khai những đổi mới và chia sẻ kinh nghiệm thực hành ESG nhằm giảm phát thải carbon. Đồng thời, tập đoàn cũng đóng góp tiếng nói vào các cuộc đối thoại liên ngành, liên khu vực với các đối tác, các nhà hoạch định chính sách, hiệp hội ngành và các công ty liên quan khác để thúc đẩy các tiêu chuẩn ESG.
Vào tháng 6-2022, SCG đã đồng hành với tư cách là diễn giả chính của “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế Tuần hoàn của Việt Nam” - sự kiện quy mô lớn được tổ chức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) nhằm kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực Kinh tế Tuần hoàn, hướng đến mục tiêu đạt Phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam vào năm 2050. Ngoài ra, tập đoàn cũng nắm vai trò chủ đạo trong Hợp tác Công - Tư đầu tiên áp dụng Kinh tế Tuần hoàn trong việc Quản lý Chất thải Nhựa - dự án hợp tác giữa SCG, Dow Việt Nam, Unilever Việt Nam và Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Tiếp nối những nỗ lực trên, với tư cách đồng chủ tịch của cộng đồng Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại khu vực Đông Nam Á, SCG sẽ tiếp tục là đơn vị tiên phong trong việc triển khai ESG tại Việt Nam. Bằng cách chia sẻ chuyên môn hàng đầu, tận dụng mạng lưới kết nối khu vực mạnh mẽ và nguồn lực với các đối tác địa phương, SCG sẽ tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng, cùng nhau hướng tới mục tiêu trung hoà carbon và tương lai quốc gia bền vững.