Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy dịch bệnh do virus Corona đã từng xuất hiện và hoành hành ở một số quốc gia Châu Á cách đây 25.000 năm trước và để lại những dấu tích trên bộ gene di truyền của các thế hệ ngày nay.
David Enard, phó giáo sư sinh thái học và tiến hoá tại đại học Arizona cho biết: “Luôn có những loại virus với khả năng lây nhiễm trong quần thể con người. Virus thực sự là một trong những động lực chính của chọn lọc tự nhiên trong bộ gene con người.” Bởi vì các gene sẽ làm tăng khả năng con người có thể sống sót và vượt qua mầm bệnh và được truyền sang các thế hệ sau này.
Bằng các công cụ hiện đại, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra dấu vết của các mầm bệnh từ thời cổ đại này trong DNA của loài người hiện nay. Enard và nhóm của ông đã phân tích bộ gene của 2.504 người thuộc 26 quần thể người khác nhau trên thế giới. Khi virus xâm nhập vào bên trong tế bào người, sự hoành hành của nó phụ thuộc rất lớn vào sự tương tác của nó với hàng trăm loại protein khác nhau trong cơ thể. Kết quả là dù đã trải qua khoảng 900 thế hệ, bộ gene của một nhóm người trong đó, cụ thể là 42 gene của những người đến từ khu vực Đông Á, vẫn còn tồn tại dấu vết của loài virus Corona cổ đại. Tương tự như một virus RNA như SARS-CoV-2, trận dịch khi đó cũng lớn và hoành hành như hiện nay.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phóng to một bộ 420 protein của nhóm người mà họ phát hiện dấu hiệu của virus corona cổ đại, 332 trong số đó tương tác với SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19 hiện nay. Hầu hết các loại protein này giúp virus phát triển tốt hơn trong tế bào, nhưng một số cũng giúp các tế bào này chống lại virus tốt hơn.
Gene mã hoá đột biến liên tục và ngẫu nhiên, nhưng nếu đột biến mang lại lợi thế cho gene, chẳng hạn như khả năng chống lại virus tốt hơn thì gene đó sẽ có cơ hội được truyền lại cho thế hệ tiếp theo hoặc được chọn lọc cao hơn.
Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu phát hiện rằng ở những người gốc Đông Á, một số gene thực sự đã trải qua những tương tác với virus Corona đã được chọn lọc. Nói cách khác theo thời gian, một số biến thể đã xuất hiện thường xuyên hơn đã giúp tổ tiên của quần thể này có khả năng kháng lại virus cổ đại bằng cách thay đổi lượng protein được tạo ra bởi các tế bào.
Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng trong tương lai các nghiên cứu về bộ gene cổ đại có thể được dùng như một hệ thống để cảnh báo sớm các đại dịch. Các nhà khoa học có thể nghiên cứu các loại virus trong tự nhiên chưa lây nhiễm vào quần thể người và tìm kiếm dấu vết của chúng trong DNA của con người. Nếu họ phát hiện rằng đây là một loại virus đã từng gây ra bệnh vào thời cổ đại thì họ sẽ nắm được thế chủ động đối phó với chúng hơn.
Theo LiveScience