Một hội đồng dân tộc bản địa tại Canada hôm 30/6 phát hiện hài cốt gần 200 người tại trường nội trú ở British Columbia, sau 2 vụ việc tương tự chỉ vài tuần trước.
Hội đồng Lower Kootenay, một trong số các nhóm cộng đồng người bản địa ở Canada (gọi là Các bộ tộc đầu tiên), phát hiện 182 hài cốt tại khu vực trường nội trú St Eugene, gần Cranbrook, British Columbia. Một số hài cốt được chôn dưới những ngôi mộ nông chỉ cách mặt đất xấp xỉ 1 m.
“Chúng tôi tin rằng số hài cốt này thuộc về 182 người từ hội đồng bản địa Ktunaxa và Aq’am, cũng là nhóm thuộc Các bộ tộc đầu tiên”, Lower Kootenay tuyên bố.
Đây là vụ việc phát hiện mộ tập thể tại trường nội trú thứ 3 chỉ trong vòng vài tuần ở Canada, chuỗi vụ việc đã gây sốc cho người dân và chính phủ nước này.
Từ thế kỷ 19 cho đến những năm 1990, hơn 150.000 trẻ em bản địa tại Canada bị ép buộc phải đi học tại các trường nội trú, trong một chiến dịch nhằm “hòa nhập” các em vào xã hội Canada. Tình trạng lạm dụng tràn lan tại các trường này khiến hàng nghìn trẻ em chết vì bệnh tật, bị bỏ mặc hoặc nhiều nguyên do khác.
Tuần trước, hội đồng bản địa Cowessess tại Saskatchewan thông báo tìm thấy một mộ tập thể khác với khoảng 751 hài cốt. Tháng trước, hội đồng bản địa Secwe’pemc thông báo tìm thấy 215 mộ, phần lớn trong số đó được tin là hài cốt của trẻ em.
Nhiều người sống sót đến từ các ngôi trường này bày tỏ những nỗi đau ám ảnh mà họ gặp phải, trong đó một phần do Canada đã không thể khắc phục vấn đề tồn tại trong nhiều năm. Vô số bạn bè và người thân của họ đã chết tại các cơ sở đáng ra được thành lập để chăm sóc họ.
“Cuối cùng mọi người cũng lắng nghe chúng tôi. Tôi mừng vì họ tìm thấy những ngôi mộ và làm những gì cần làm”, ông Jack Kruger, người bị đưa khỏi nhà đến St Eugene năm 6 tuổi (1956) cho biết.
Ông nói thêm: “Hai năm sau họ sẽ còn tìm thấy rất nhiều mộ nữa. Tôi nghĩ là những cơn ác mộng và nỗi đau của mình sẽ còn tiếp tục trong hai năm đó”.
Trường nội trú tại St Eugene mở cửa vào năm 1890 và trở thành một trường công nghiệp (dạy nghề cho những trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi hoặc phạm pháp) vào năm 1912. Đây được cho là địa điểm thường xuyên bùng các loại dịch như cúm, quai bị, sởi, thủy đậu và lao. Năm 1969, chính phủ liên bang Canada đóng cửa trường.
Trong làn sóng kêu gọi lời xin lỗi về vai trò của nhà thờ trong việc vận hành các trường này, Giáo hoàng Francis đã đồng ý gặp những người bản địa còn sống sót.
Nguồn The Guardian