Chọn nhà thầu nội hay ngoại thiết kế cầu dây văng Rạch Miễu 2?
Trần Hoàng
21/06/2021
Bài viết: 257
Bình luận: 0

Các chuyên gia trong ngành cầu đường cho rằng, dự án cần lựa chọn tư vấn trong nước để đảm bảo hiệu quả công trình...

Cầu Rạch Miễu 2 sẽ được xây dựng cách cầu hiện tại 3,8 km

Đại diện chủ đầu tư đề xuất lựa chọn tư vấn nước ngoài thực hiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật cầu dây văng Rạch Miễu 2. Trong khi, các chuyên gia trong ngành cầu đường cho rằng, dự án cần lựa chọn tư vấn trong nước để đảm bảo hiệu quả công trình.

Đề xuất chọn tư vấn nước ngoài vì… có năng lực, kinh nghiệm hơn

Để giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu và đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến QL60, ngày 5/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1741 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Dự án được phê duyệt có chiều dài toàn tuyến khoảng 17,5m, tổng mức đầu tư khoảng 5.175 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

Sau thời gian lập dự án đầu tư, vừa qua, Ban QLDA Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) đã có báo cáo Bộ GTVT về việc đề xuất lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài thực hiện khảo sát, thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công dự án cầu Rạch Miễu 2.

Trong văn bản, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, cầu Rạch Miễu 2 gồm 2 cầu lớn: Cầu Rạch Miễu 2 (cầu số 1) dài 1.950m với phần cầu chính dây văng hai phẳng mặt dây, nhịp chính dài 270m và cầu Mỹ Tho (cầu số 2) dài khoảng 460m nhịp chính đúc hẫng.

Theo phân tích của Ban QLDA Mỹ Thuận, trong những năm gần đây, các công trình cầu dây văng nhịp lớn được đầu tư, xây dựng tại Việt Nam hầu hết do các công ty tư vấn nước ngoài thực hiện khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công.

Cụ thể, trong 14 cầu dây văng đã xây dựng có 12 cây cầu do tư vấn nước ngoài thiết kế. Đến nay, chỉ có cầu Rạch Miễu hiện hữu và cầu Mỹ Thuận 2 có kết cấu nhịp dây văng do tư vấn trong nước thực hiện khảo sát thiết kế. Tuy nhiên, Bộ GTVT đều cho phép thuê tư vấn nước ngoài tham gia thẩm tra hồ sơ thiết kế phần cầu chính dây văng đối với các cầu này.

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, dự án cầu Rạch Miễu 2 có kết cấu nhịp dây văng lớn 270m là công trình cấp đặc biệt, có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù, đòi hỏi tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công cần có năng lực, kinh nghiệm sâu về cầu dây văng và kết cấu, nhân lực trình độ cao, có năng lực huy động và xử lý kỹ thuật nhanh và hiệu quả.

Xuất phát từ đặc điểm địa hình, địa chất của khu vực dự án và các yêu cầu về chất lượng, an toàn trong thiết kế thi công cầu dây văng như: Đảm bảo tính chính xác của hồ sơ thiết kế, yêu cầu kỹ thuật cao, khu vực dự án có địa chất phức tạp,… rất cần lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm trong thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công.

Trên cơ sở đó, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài để thực hiện việc khảo sát, thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công cầu dây văng Rạch Miễu 2 (cầu số 1) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Tư vấn trong nước làm được, sao phải đề xuất chọn nước ngoài?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, TS.Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, đề xuất lựa chọn tư vấn nước ngoài làm thiết kế kỹ thuật cầu dây văng Rạch Miễu 2 cần phải xem xét lại, bởi các nhà thầu trong nước hoàn toàn đủ năng lực và kinh nghiệm đảm nhiệm phần việc này.

“Các tư vấn giao thông trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế cầu dây văng với khẩu độ vài trăm mét. Không nói đâu xa, cầu Rạch Miễu hiện hữu có khẩu độ 270m đúng bằng khẩu độ của cầu Rạch Miễu 2 đang chuẩn bị xây dựng, hoàn toàn do nhà thầu trong nước làm chủ từ thiết kế đến thi công. Đến nay, sau hàng chục năm đưa vào khai thác, cầu Rạch Miễu vẫn đang sử dụng tốt. Vậy, tại sao phải đề xuất lựa chọn tư vấn nước ngoài làm cầu Rạch Miễu 2 trong khi tư vấn trong nước làm được? ”, ông Long băn khoăn.

“Nếu dự án này tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu nước ngoài làm thiết kế kỹ thuật là nỗi hổ thẹn cho ngành xây dựng cầu đường Việt Nam. Sau gần 30 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực cầu đường mà bây giờ phải đi đấu thầu quốc tế để chọn tư vấn nước ngoài làm cầu dây văng có khẩu độ chỉ 270m là điều quá khó hiểu. Tôi cho rằng, đề xuất này không phải xuất phát từ những người trưởng thành trong ngành GTVT”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, việc đề xuất lựa chọn nhà thầu nước ngoài làm thiết kế kỹ thuật cầu Rạch Miễu 2 là không hợp lý.

“Năng lực của các nhà thầu giao thông trong nước không thua kém nhà thầu nước ngoài. Ngay cả các dự án có yêu cầu kỹ thuật cao như hầm xuyên núi dài hơn 5.000m, chúng ta còn làm chủ từ thiết kế đến thi công, thì tại sao làm cầu dây văng khẩu độ có 270m lại phải đi thuê nước ngoài trong khi khi chúng ta đã làm chủ công nghệ này từ rất lâu”, ông Chủng nói.

Theo ông Chủng, đội ngũ nhà thầu tư vấn trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công từ các cầu đúc hẫng đến cầu dây văng. Chẳng hạn, đối với công nghệ đúc hẫng, cầu Vĩnh Tuy do tư vấn trong nước làm còn đẹp và hiện đại hơn cầu Thanh Trì do tư vấn nước ngoài đảm nhiệm. Công nghệ cầu dây văng, các kỹ sư cầu đường Việt Nam cũng làm chủ ở Rạch Miễu, Bạch Đằng,… đến cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang triển khai xây dựng có khẩu độ lên đến 350m cũng do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm.

“Cái gì doanh nghiệp trong nước làm được thì phải để họ làm, chỉ thuê nước ngoài làm những cái chúng ta chưa làm được. Bây giờ, tư vấn trong nước đã làm chủ công nghệ cầu dây văng mà cơ quan quản lý lại đề xuất thuê nước ngoài, làm vậy sẽ thiêu rụi ý chí, khát vọng và trí tuệ của những người thợ cầu đường Việt Nam”, ông Chủng nói.

Ông Chủng phân tích thêm, nhiều dự án giao thông sử dụng vốn ODA do những quy định ràng buộc của hợp đồng phải lựa chọn nhà thầu nước ngoài nhưng vẫn tồn tại đầy bất cập, tồn tại trong thiết kế như: Cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh, cầu Bãi Cháy,…

“Nếu các cây cầu trên do người Việt Nam thiết kế chắc chắn sẽ không để ra các sai sót đáng tiếc như vậy. Khi còn làm việc tại Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, tôi nhận thấy rằng các chuyên gia nước ngoài rất giỏi về công nghệ và phương pháp tính toán nhưng họ không thể hiểu hết các đặc thù về điều kiện địa chất, khí hậu, thủy văn,… của Việt Nam bằng những người kỹ sư cầu đường của chúng ta”, ông Chủng nói và cho rằng, đơn vị được giao quản lý dự án cầu Rạch Miễu 2 cần nghiên cứu phương án lựa chọn nhà thầu trong nước đảm nhiệm công tác thiết kế cây cầu này nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Về phía Bộ GTVT, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, theo quy định của Luật Đấu thầu, các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chỉ áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế khi nhà thầu trong nước không đáp ứng về năng lực kinh nghiệm.

Theo ông Tiến, đối với năng lực của nhà thầu tư vấn trong nước, cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai thi công có khẩu độ 350m hoàn toàn do nhà thầu của Việt Nam đảm nhiệm thiết kế nhưng có thuê một số chuyên gia nước ngoài thực hiện công tác thẩm tra. “Hiện nay, tôi chưa nhận được đề xuất cụ thể của Ban QLDA Mỹ Thuận về cầu Rạch Miễu 2 nên cũng chưa thể đưa ra đánh giá, trả lời chính xác về vấn đề này?”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Chi phí thuê tư vấn ngoại cao gấp hơn 2 lần tư vấn nội

Theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, trường hợp sử dụng tư vấn trong nước, chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công cầu Rạch Miễu 2 khoảng 66,98 tỷ đồng, gồm: Chi phí thiết kế kỹ thuật (11,95 tỷ đồng), chi phí khảo sát (40 tỷ đồng) và chi phí giám sát, văn phòng (15,3 tỷ đồng).

Trường hợp sử dụng tư vấn nước ngoài, chi phí thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công khoảng 142,2 tỷ đồng, gồm: chi phí thiết kế kỹ thuật, khảo sát (80 tỷ đồng) và chi phí giám sát, văn phòng (62,2 tỷ đồng).

Theo giaothong.vn

Cùng chủ đề
Ban IV: Phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về dòng vốn. Trong khi đó, một số ngành như...
CMC giúp các em nhỏ dị tật khe hở môi, hàm ếch viết tiếp ước mơ
Mới đây, đại diện CMC đã tham dự chương trình Phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân mang dị tật khe hở môi, hàm ếch tại Bệnh viện Việt Nam – Cu B...
Không có chuyện Malaysia bán xăng 13.000 đồng/lít cho Việt Nam
Giá xăng 13.000 đồng một lít của Malaysia là bán tại thị trường nội địa nước này, không phải là giá xuất khẩu và không phải mức đề xuất bán cho Việt N...
Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh phải tạo đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) thời kỳ 2021-...
ADB và BIDV dự báo lạm phát Việt Nam năm nay có thể lên đến 4,2%
ADB và BIDV dự báo trong năm nay lạm phát Việt Nam tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023. Đáng chú ý trong báo...
Ban IV: Phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về dòng vốn. Trong khi đó, một số ngành như...
CMC giúp các em nhỏ dị tật khe hở môi, hàm ếch viết tiếp ước mơ
Mới đây, đại diện CMC đã tham dự chương trình Phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân mang dị tật khe hở môi, hàm ếch tại Bệnh viện Việt Nam – Cu B...
Không có chuyện Malaysia bán xăng 13.000 đồng/lít cho Việt Nam
Giá xăng 13.000 đồng một lít của Malaysia là bán tại thị trường nội địa nước này, không phải là giá xuất khẩu và không phải mức đề xuất bán cho Việt N...
Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh phải tạo đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) thời kỳ 2021-...
ADB và BIDV dự báo lạm phát Việt Nam năm nay có thể lên đến 4,2%
ADB và BIDV dự báo trong năm nay lạm phát Việt Nam tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023. Đáng chú ý trong báo...
Để lại bình luận