Mới đây, tại trường Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 đã diễn ra hội thảo “Nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho học sinh qua việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp”, chương trình xoay quanh việc tập trung đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Buổi hội thảo diễn ra không chỉ chia sẻ những mô hình mới, giải pháp hay, đóng góp những ý kiến thiết thực từ phía các doanh nghiệp cho nhà trường, mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề… mà còn giúp nhà trường và doanh nghiệp cùng phát triển.
Tham gia hội thảo gồm có đại diện các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, chuyên gia dự báo nhu cầu lao động, ngành giáo dục và doanh nghiệp cùng tham dự.
Tại hội thảo, ông Trần Nguyên Thục – Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật quận 12 cho biết, “việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nâng cao hiệu quả, không gây lãng phí trong đào tạo, giúp người học yên tâm hơn khi học tập, đảm bảo giải quyết việc làm”.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo, đánh giá chất lượng lao động, góp phần giải quyết tình trạng mất cân đối trong cơ cấu lao động cũng như thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề… Tuy nhiên, hiệu quả việc hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn chưa thực sự như mong đợi, còn nhiều rào cản, bất cập. Chính vì vậy, đây là điều kiện phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay, đồng thời cũng là một tất yếu khách quan trong xu thế hội nhập. Ông Thục nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các giải pháp về chất lượng đào tạo, việc gắn kết doanh nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mối tương quan giữa sinh viên với doanh nghiệp, gắn nhà trường với doanh nghiệp… được các chuyên gia, nhà trường và doanh nghiệp cùng bàn luận và chia sẻ.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và mỗi người lao động nói riêng nên “tích cực” nắm bắt cơ hội và phấn đấu.
Hiện TP. HCM có 58 trường đại học, 55 trường cao đẳng cùng với 68 trường trung cấp, 370 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo hàng năm trên 350.000 người, trong đó 100.000 tốt nghiệp đại học va cao đẳng, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực tìm việc làm. Nên nhà trường và doanh nghiệp phải cần có hệ thống thông tin đánh giá về thị trường lao động, có những nhận định định kỳ về cơ cấu đào tạo, về nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước…
Ông Tuấn đưa ra dự báo, năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội thích ứng "trạng thái bình thường mới" và khi đại dịch không còn, kinh tế quốc gia và các doanh nghiệp nước ta đang từng bước vượt qua giai đoạn suy thoái… Vì vậy, nhu cầu thị trường cần một lực lượng lao động đủ lớn, được đào tạo bài bản, với chi phí cạnh tranh, điều này có thể thực hiện một cách hiệu quả đối với các đơn đặt hàng lớn cho các sản phẩm công nghệ cao và trung bình.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Huy – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Vườn ươm Khởi nghiệp Việt cho biết, thời gian vừa qua, việc ảnh hưởng từ đại dịch Covid 19 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đã tác động không nhỏ đến hành vi lối sống của toàn xã hội, doanh nghiệp, thị trường lao động và xa hơn là học sinh, sinh viên… đã khiến cho mọi việc có sự thay đổi đáng kể. Thực tế hơn, điều này đã tác động lớn đến giới trẻ, đối tượng chính đang kế nhiệm, tiếp nhận, điều hành công việc tại các cơ sở, công ty, cơ quan nhà nước, xã hội…
Vì thế, để tiếp nhận và khai thác tối đa năng lực của thế hệ trẻ ngày nay, mô hình cấu trúc doanh nghiệp cần có sự thay đổi cho phù hợp hơn, thích nghi hơn và nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt, khi doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, hay các hoạt động của từng nhân sự, vận hành công việc… thì việc đo lường kết quả không còn quá khó khăn nữa, điều này sẽ giúp cho lao động trẻ giảm bớt mọi áp lực, làm tốt việc được giao.
Chia sẻ quan điểm về mối quan hệ của nhà trường với doanh nghiệp, ông Hứa Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FClass Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhằm tăng cường một cách hiệu quả trong mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong định hướng phát triển bền vững. Đồng thời, tại hội thảo đơn vị này cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật quận 12, nhằm tạo nhiều điều kiện cho học sinh, sinh viên của nhà trường có cơ hội thực tập và giải quyết việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Song song đó, tại buổi hội thảo, trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật quận 12 cũng đã có thỏa thuận và ký kết hợp tác với rất nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố.
Kết thúc buổi hội thảo, sau những ký kết hợp tác, hy vọng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp luôn chặt chẽ hơn nữa cả về trách nhiệm lẫn quyền lợi. Và quan trọng hơn nữa, cùng góp phần cho cơ cấu “cung” và “cầu” của thị trường lao động được cân đối, đảm bảo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm mà doanh nghiệp đang cần.