Đang khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp lại lo lắng việc chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển?
Khôi Lê
02/03/2022
Bài viết: 454
Bình luận: 0

Đang trên đà hồi phục sau Covid-19, doanh nghiệp giờ đây tiếp tục lo lắng khi nghe thông tin TPHCM có động thái chuẩn bị cho việc thu phí hạ tầng cảng biển kể từ đầu tháng 4 tới.

Các doanh nghiệp cho rằng họ mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại phải gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng,… Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM vào thời điểm này càng làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh và không phù hợp.

Doanh nghiệp lo lắng việc TPHCM chuẩn bị thu phí cảng biển.
Doanh nghiệp lo lắng việc TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến là ngày 1-4 tới. (Ảnh: VASEP)

Từ ngày 16-2 đến hết ngày 15-3-2022, TPHCM triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên môi trường thật – không thu phí. Sau đó, dự kiến sẽ thực hiện chính thức từ 0 giờ ngày 1-4 tới.

Vì sao phải áp dụng lúc này?

Trước thông tin này, các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đã phản ứng. Đơn cử như doanh nghiệp thủy hải sản, theo ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tuần qua, văn phòng hiệp hội VASEP đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc TPHCM đang có động thái chuẩn bị cho thu phí hạ tầng cảng biển kể từ đầu tháng 4 tới.

Theo các doanh nghiệp, việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao và không công bằng tại thời điểm này là không hợp lý. Bởi lẽ hầu hết các doanh nghiệp mới đang trên đà hồi phục sau Covid-19 nên nếu thu phí chồng phí sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó khăn.

Các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại phải gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng,… trong khi doanh nghiệp vẫn đang thiếu vốn, thiếu công nhân, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM vào thời điểm này càng làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, liệu quyết định này của UBND TPHCM đã phù hợp?”, đại diện VASEP đặt câu hỏi.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giữa bối cảnh khi doanh nghiệp còn chưa vực dậy sau điêu đứng của dịch bệnh và Chính phủ, các Bộ ngành đang nỗ lực phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các quyết sách linh hoạt thì việc TPHCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển từ 1-4 là thời điểm không hợp lý và tạo nên tình trạng “phí chồng phí” cho doanh nghiệp.

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TPHCM. Trong khi đó, theo VASEP, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung.

Theo tính toán của VASEP, nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 – 3,5 tỉ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 – 14 tỉ đồng/năm.

Doanh nghiệp 7 Hiệp hội kiến nghị không áp dụng trong năm nay

Doanh nghiệp thủy hải sản lên tiếng khó khăn nếu TPHCM áp phí hạ tầng cảng biển vào ngày 1-4 tới.
Doanh nghiệp thủy hải sản lên tiếng khó khăn nếu TPHCM áp phí hạ tầng cảng biển vào ngày 1-4 tới. (Ảnh: VASEP)

Không riêng doanh nghiệp thủy hải sản mà nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác như dệt may, da giày-túi xách, gỗ, sữa, nhựa, thực phẩm cũng phản ứng trước kế hoạch thu phí hạ tầng cảng biển vào ngày 1-4 tới của TPHCM.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng họ còn phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra như: khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng… nên đang rất khó khăn.

Mặt khác, theo các doanh nghiệp mức phí TPHCM dự kiến áp dụng là chưa công bằng, chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện.

Cụ thể theo phản ánh của các doanh nghiệp, đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TPHCM (doanh nghiệp ở tỉnh) thì bị thu mức phí cao gấp đôi so với doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TPHCM.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tính tới việc vận chuyển container hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng TPHCM nhưng chi phí sẽ tăng thêm từ 3 – 3,5 triệu đồng/container. Điều này làm doanh nghiệp ngoài TPHCM buộc phải chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TPHCM gây quá tải, có thể dẫn tới ách tắc việc khai báo, chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Mặt khác, theo doanh nghiệp, mức phí áp dụng đối với hàng gửi ở kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng rất cao so với các mức phí của hàng xuất nhập khẩu.

Đơn cử kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu nhưng bị áp phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao; mức phí áp đối với container cao gấp 8,8 lần và hàng lỏng, hàng rời là 3,3 lần so với mức phí tương ứng của lô hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM.

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Nếu áp dụng phí hạ tầng cảng biển này, như vậy doanh nghiệp cho rằng họ sẽ phải chịu hai lần phí: một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu.

Được biết vào ngày 1-3-2022, lãnh đạo 7 hiệp hội và hội ngành nghề trên cả nước đã cùng ký vào một văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, HĐND TPHCM và UBND TPHCM nêu khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến việc thu phí trên.

Nội dung văn bản này đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính có ý kiến với Hội đồng Nhân dân và UBND TPHCM xem xét để chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết ngày 31-12-2022 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Các hiệp hội cũng yêu cầu TPHCM cần công bố chính thức thời gian bắt đầu và kết thúc, cũng như kế hoạch sử dụng nguồn thu từ các khoản phí nói trên để đầu tư vào các công trình cụ thể nào trong từng năm.

Hiện kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu với phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao là 2,2 triệu đồng/container 20 feet; 4,4 triệu đồng/container 40 feet. Trong khi hàng về kho ngoại quan chủ yếu là container 40 feet.

Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng, TPHCM cần thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển một cách công bằng và nên áp dụng chung một mức thu 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là hợp lý.

Cùng chủ đề
Hàng loạt nhà mua hàng quốc tế tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ Việt Nam
Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2024 (Global Sourcing Fair Việt NaM) đã khai mạc ngày 24-4-2024 và sẽ diễn ra đến hết ngày 26-4-2024 tại Trung tâm Hộ...
Hàng trăm doanh nghiệp tham dự Beyond Global Business Promotion and Connection 2023
Chương trình "Beyond Global Business Promotion and Connection 2023” đã diễn ra gần đây tại Thành phố Thủ Đức, TP. HCM thu hút hơn 300 doanh nghiệp của...
Bình Dương đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Châu Á 2023
Bình Dương tiếp tục đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Châu Á 2023. Diễn đàn sẽ diễn ra từ ngày 3/12 - 5/12. Horasis Châu Á 2023 s...
SCG thúc đẩy hợp tác nhằm thực hiện Kinh tế Tuần hoàn tại Việt Nam
Tập đoàn hàng đầu khu vực SCG và Mạng lưới Đối tác doanh nghiệp Thái Lan (Thailand Supply Chain Network) đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Long An: Phấn đấu thực hiện vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023
Chiều 16/10, UBND tỉnh Long An đã tổ chức buổi Họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và chương trình công tác 3 t...
Hàng loạt nhà mua hàng quốc tế tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ Việt Nam
Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2024 (Global Sourcing Fair Việt NaM) đã khai mạc ngày 24-4-2024 và sẽ diễn ra đến hết ngày 26-4-2024 tại Trung tâm Hộ...
Hàng trăm doanh nghiệp tham dự Beyond Global Business Promotion and Connection 2023
Chương trình "Beyond Global Business Promotion and Connection 2023” đã diễn ra gần đây tại Thành phố Thủ Đức, TP. HCM thu hút hơn 300 doanh nghiệp của...
Bình Dương đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Châu Á 2023
Bình Dương tiếp tục đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Châu Á 2023. Diễn đàn sẽ diễn ra từ ngày 3/12 - 5/12. Horasis Châu Á 2023 s...
SCG thúc đẩy hợp tác nhằm thực hiện Kinh tế Tuần hoàn tại Việt Nam
Tập đoàn hàng đầu khu vực SCG và Mạng lưới Đối tác doanh nghiệp Thái Lan (Thailand Supply Chain Network) đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Long An: Phấn đấu thực hiện vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023
Chiều 16/10, UBND tỉnh Long An đã tổ chức buổi Họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và chương trình công tác 3 t...
Để lại bình luận