Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang chạy đua săn lùng văn phòng để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển hậu Covid-19.
Nhu cầu lớn
Sau những tác động của đại dịch Covid-19, văn phòng truyền thống vẫn được xem là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp, trong đó, những tòa nhà văn phòng phân khúc trung bình bắt đầu xuất hiện làn sóng săn lùng của nhóm khách thuê là các công ty công nghệ trong lẫn ngoài nước.
Dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp khiến hàng loạt doanh nghiệp kích hoạt chế độ làm việc ở nhà, tạm ngừng các kế hoạch mở rộng kinh doanh, nhưng mới đây, Công ty TNHH Propzy Việt Nam - một doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có vốn FDI đã ra mắt văn phòng làm việc rộng hơn 1.700 m2 tại quận 11, TP.HCM với mục tiêu đáp ứng nhu cầu mở rộng kết nối khởi nghiệp liên ngành: công nghệ - bất động sản - tài chính.
Ông John Lê, nhà sáng lập và CEO Propzy cho biết, ngoài khu vực làm việc riêng, văn phòng Propzy còn có khu vực khán đài với sức chứa 100 - 120 người cho các sự kiện và bố trí cả không gian nghỉ ngơi, giải trí cho nhân viên làm việc 24/7. Với không gian mở, hạn chế tối đa các vách ngăn, cùng những tiện nghi chuẩn cho dân start-up công nghệ sẽ mang đến nhiều cảm hứng cho các ý tưởng khác biệt và chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên.
Dữ liệu thống kê từ Công ty VNO Group - đơn vị đang khai thác hơn chục tòa nhà văn phòng cho thuê tại TP.HCM cũng đã đưa ra con số thể hiện rõ động thái mở rộng không gian làm việc của doanh nghiệp công nghệ trong những tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, trong tháng 4/2021, khách thuê thuộc nhóm ngành công nghệ có dấu hiệu tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Báo cáo gần đây của Savills Việt Nam cũng chỉ ra, các doanh nghiệp công nghệ đến từ Ấn Độ đang có xu hướng gom những văn phòng nhỏ lẻ thành một và mở rộng thêm tại Hà Nội và TP.HCM. Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại, xu hướng mở rộng văn phòng của doanh nghiệp Ấn đang mạnh mẽ hơn trong 2 năm trở lại đây.
“Khách hàng đang có nhu cầu gom hết các văn phòng nhỏ lẻ, tạo thành một văn phòng lớn, đồng thời gia tăng thêm các phần diện tích như data center, tầng hỗ trợ kỹ thuật”, bà Nguyệt Minh cho biết.
Trong đó, địa điểm, hệ thống kỹ thuật tòa nhà và tiện ích là yếu tố đang được quan tâm trong việc thuê văn phòng đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Với ngân sách trung bình từ 25 - 35 USD/m2/tháng cho hợp đồng từ 5 năm trở lên, hiện thị trường vẫn tiếp tục ghi nhận yêu cầu cho các mặt bằng tại các khu công nghệ cao hay các cao ốc tập trung đa phần là doanh nghiệp công nghệ.
Đặt con người làm trọng tâm
Bà Hân Nguyễn, Giám đốc Dịch vụ văn phòng Colliers Việt Nam cho rằng, đại dịch mang lại 2 bức tranh sáng - tối đan xen cho thị trường văn phòng cho thuê. Một mặt, dịch bệnh khiến nhiều hoạt động kinh tế bị hạn chế, dẫn đến nhiều ngành lao đao, lâm vào suy thoái, khủng hoảng và các doanh nghiệp thuộc những ngành này đang giảm diện tích thuê văn phòng. Mặt khác, Covid-19 xảy ra đúng thời điểm Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy ngành công nghệ thông tin trở thành một ngành hot và được chú trọng phát triển, nên các khách thuê ngành này lại tăng lên.
Thống kê của Colliers Việt Nam cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang hồi phục nhanh chóng hậu Covid-19. Các doanh nghiệp tập trung triển khai kế hoạch tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và trung để phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhằm gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng rất nhạy bén trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng và có chính sách lương thưởng tốt để thu hút nhân sự giỏi. Nhiều công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất mạnh mẽ với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021.
Do đó, nhu cầu thuê văn phòng của các công ty trong ngành công nghệ vẫn ở mức cao giai đoạn hiện nay. Theo ghi nhận từ hệ thống của Colliers, có doanh nghiệp công nghệ đặt mục tiêu mỗi tháng tuyển thêm trung bình 10 - 20 nhân sự, đã vô tình làm cho kế hoạch mở rộng diện tích văn phòng cho thuê trở nên phổ biến.
Dù văn phòng truyền thống đang được xem là lựa chọn ưu tiên, nhưng đối với sự phát triển của văn phòng lần này, doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn tới việc cung cấp không gian làm việc đảm bảo các yếu tố: cộng tác và đổi mới, thu hút và giữ chân nhân lực, xây dựng và củng cố văn hoá doanh nghiệp, kết nối cộng đồng, mang tới năng lượng mới, đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần cho nhân viên.
Bà Hoàng Nguyệt Minh cho rằng, sau hơn 1 năm chịu tác động của Covid-19, hầu hết các nhân viên văn phòng đã có kinh nghiệm làm việc ở nhà nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, làm việc tại nhà tạo ra ảnh hưởng lớn tới văn hoá doanh nghiệp, khiến văn hóa xói mòn và khó phục hồi, đặc biệt khi cơ hội tương tác trực tiếp trong nội bộ doanh nghiệp bị hạn chế hoặc hầu như không có.
Văn phòng được thiết kế với không gian linh hoạt có thể mang tới nhiều giá trị cho doanh nghiệp, thậm chí đáp ứng những thách thức trong việc gắn kết văn phòng thực tế và nền tảng kỹ thuật số cho nhân viên.
Link bài gốcCoppy
https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-cong-nghe-chay-dua-san-lung-van-phong-d146119.html