Doanh nghiệp không thể mãi "gồng mình" giữ giá, hàng hóa sắp thiết lập mặt bằng giá mới?
Xuân Lộc
12/03/2022
Bài viết: 418
Bình luận: 0

Nhiều doanh nghiệp cho biết tình hình nhập nguyên liệu, hàng hóa đang gặp khó khăn do nguồn hàng, nguyên liệu bị thiếu hụt và thiếu tàu chở hàng, trong khi giá xăng dầu liên tục lập định mới khiến họ không kịp trở tay và rất chật vật để xoay sở.

Đáng chú ý, giá xăng dầu ngày 11-3 tiếp tục tăng thêm 3.000-4.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp chới với… Và một số doanh nghiệp đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán hàng hóa.

Hàng hóa có nguy cơ sắp thiết lập mặt bằng giá mới.

Không còn khả năng giữ bán giá như cũ!

Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất Bột quốc tế, giá các nguyên liệu nhập về hiện đã tăng từ 20% – 50%. Đáng chú ý là bột mì hiện đã tăng đến 50% so với trước đây. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu thô khan hiếm, phần do tàu về chậm, giá cước tàu tăng gấp đôi…

Theo bà Trinh, hầu hết các đối tác Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu đều báo không đủ lượng hàng cung ứng, đến tháng 7-2022 mới có hàng và chỉ cung cấp khoảng 30% đơn đặt hàng, chưa kể họ báo giá 1 tấn hàng tăng từ 600 đô la Mỹ lên 800 đô la Mỹ. Đáng lo hơn là giá cước tàu vận chuyển tăng cao nhưng lại thiếu tàu chở hàng, thời gian hàng về đến Việt Nam cũng chậm từ 1 – 1,5 tháng so với trước đây.

Theo tính toán của bà Trinh, giá thành phẩm bình quân hiện tăng hơn 20%. Tuy nhiên, công ty chưa tăng giá bán được, phải thương lượng với khách hàng và cần có lộ trình. “Thời gian qua công ty đã cố gắng gồng mình để giữ giá bán với những khách hàng lâu năm, thế nhưng tình hình nguyên liệu và giá đầu vào sản xuất cứ liên tục tăng cao, chúng tôi không còn khả năng giữ giá bán như hiện nay”, bà Trinh chia sẻ, và cho biết khả năng công ty sẽ điều chỉnh giá bán trong 1-2 tháng tới với mức tăng trên 10% chứ không dám tăng hơn.

“Chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận, không tăng giá sản phẩm nhiều, chỉ mong khâu nhập hàng hóa về thuận lợi, nhanh chóng hơn chứ hiện nay hàng bị kẹt ở cảng nhiều, thời gian kéo dài đến 2 tháng thay vì 1 tháng như trước”, bà Trinh nói.

Grab Việt Nam cũng đã điều chỉnh tăng giá cước. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chuyên các sản phẩm cà phê nhãn hiệu Meet More), cho biết từ khi TPHCM dỡ bỏ lệnh giãn cách vào đầu tháng 10 năm ngoái đến Tết nguyên vật liệu đã tăng 30%. Và tính từ Tết đến nay giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu và chi phí vận chuyển tăng buộc họ phải tăng giá bán.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp của ông đang rất vất vả trong việc cân nhắc tăng giá bán đầu ra. Điều chỉnh như thế nào để các kênh phân phối đồng ý, người tiêu dùng chấp nhận trong bối cảnh sức mua yếu hiện nay thực sự không đơn giản. Đó là chưa bàn đến thị trường xuất khẩu. Các hợp đồng đã ký không phải muốn là có thể thay đổi giá ngay.

Tuy nhiên, theo ông Luận, khả năng giữ giá bán của công ty ông không còn và thương hiệu Meet More sẽ có kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán vào tháng 5 tới với mức tăng khoảng 30% so với giá báo hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng cho rằng giá xăng dầu tăng liên tiếp và tăng nhiều trong thời gian qua, cũng như nguồn nguyên liệu tăng khiến doanh nghiệp đau đầu.

Tuy nhiên, ông An cho rằng, khó khăn lớn là từ Tết tới giờ sức mua thấp, nếu tăng giá sản phẩm thì sức mua giảm nữa nên tới thời điểm này công ty vẫn chưa dám tăng giá bán các sản phẩm trong cũng như ngoài chương trình bình ổn thị trường. Thế nên, Vissan vẫn ráng cầm cự. “Vissan đang cố gắng cầm cự nhưng trong thời gian 2-3 tháng tới thì không dám nói trước là có ổn định được giá bán sản phẩm hay không”, ông An chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp rục rịch tăng giá sản phẩm

Đầu tháng 3-2022, Acecook Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm, với tỷ lệ tăng giá khác nhau tùy theo sản phẩm. (Ảnh minh họa: Website doanh nghiệp)

Trên thực tế, trước bối cảnh giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào tăng cao, một số doanh nghiệp cho biết không thể tiếp tục ‘gồng mình’ giữ giá và buộc phải áp dụng giá mới theo hướng tăng lên.

Theo ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, những năm trước, chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng nhưng Acecook Việt Nam đã nỗ lực để vượt qua nhiều đợt tăng giá khác nhau, tuy nhiên đến nay tình hình đã đến mức doanh nghiệp dù cố gắng hết sức cũng không thể bù lại được.

“Trong tình hình này, Acecook Việt Nam đã phải tiến hành tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm và áp dụng từ ngày 1-3-2022, với tỷ lệ tăng giá có khác nhau tùy theo sản phẩm”, ông Kajiwara Junichi nói, và cho biết lần tăng giá sản phẩm gần nhất của công ty cũng đã hơn 10 năm.

Tương tự, từ đầu tháng này, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối sữa Abbott, Mỹ cũng đã đã tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Trước đó, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam cũng đã tăng giá trong giới hạn 5% 21 sản phẩm sữa bột Frisolac và Friso cho trẻ dưới 6 tuổi.

Từ ngày 10-3, tất cả các dịch vụ của Grab cũng đã điều chỉnh tăng giá. Việc tăng giá này, theo thông báo từ Grab Việt Nam là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.

Đại diện một số hệ thống siêu thị cũng cho biết, nhiều nhà cung cấp đã đề nghị siêu thị được tăng giá hàng hóa chủ yếu do giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, hiện tại các siêu thị vẫn đang kìm giá sản phẩm.

Trước diễn biến theo đà tăng của giá dầu thế giới, 15 giờ hôm nay (11-3) theo định kỳ liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu. Tính từ ngày 1-3 đến sát kỳ điều hành này, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đã tăng gần 20%. Giá xăng, dầu vì thế có thể tăng thêm 3.800 – 4.800 đồng/lít, kéo theo giá xăng trong nước vượt mốc 30.000 đồng/lít nếu không có công cụ can thiệp như giảm thuế và phí.

Nếu giá xăng được điều chỉnh theo mức tăng này, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện đang cố gắng giữ giá hiện nay sẽ không thể chịu đựng được nữa và buộc phải tăng giá bán sản phẩm nhanh hơn kế hoạch.

Giá xăng dầu tăng kéo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, chưa kể các chi phí trực tiếp tăng. Do đó, các ý kiến của chuyên gia và giới phân tích cho rằng Chính phủ cần xem xét, đẩy nhanh việc thực hiện các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp làm sao tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được càng cao càng tốt và minh bạch, tránh thất thoát.

Đáng chú ý, Chính phủ nên cắt giảm các chi phí khác như chi phí hành chính, thủ tục mà lâu nay trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp tuân thủ các quy định cũng như cắt giảm thuế và phí để ổn định giá cả nhằm kiềm chế lạm phát… Đơn cử như thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cần giảm mạnh và áp dụng nhanh để kềm lại giá xăng dầu ngay bây giờ.

Cùng chủ đề
Xiaomi ra mắt bộ sưu tập robot hút bụi mới với nhiều tính năng ưu việt, giá từ 2,19 triệu đồng
Các mẫu robot mới nhà Xiaomi được tích hợp nhiều tính năng ưu việt như cảm biến không gian, khả năng làm sạch đa chiều cùng lực hút ấn tượng, mang lại...
Lần đầu tiên triển lãm chuyên ngành về vải không dệt - GENTEXH Vietnam 2025
Công ty Radeecal Exhicon (Ấn Độ) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo & Triển lãm Minh Vi (VEAS) vừa tổ chức buổi họp báo giới thiệu Triển lãm qu...
Hơn 1.000 doanh nghiệp triển lãm dệt may SaigonTex & SaigonFabric 2024
Ngày 10-4-2024, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may Thiết bị, nguyên phụ liệu & vải (SaigonTex & SaigonFabric 2024) được khai mạ...
Chi tiêu quốc tế dịp Tết của người Việt tăng cao gấp đôi mức tăng trưởng chi tiêu tại nội địa, dữ liệu từ Visa
Visa, công ty công nghệ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới, tiếp tục đem tới hiểu biết mới về người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, dựa trên dữ liệ...
Nhận nhiều ưu đãi đặc biệt khi mua xe Ford trong tháng 4
Ford Việt Nam kết hợp cùng hệ thống Đại lý trên toàn quốc triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt từ 1/4/2024 đến 30/4/2024 cho các dòng xe Ranger, Ev...
Xiaomi ra mắt bộ sưu tập robot hút bụi mới với nhiều tính năng ưu việt, giá từ 2,19 triệu đồng
Các mẫu robot mới nhà Xiaomi được tích hợp nhiều tính năng ưu việt như cảm biến không gian, khả năng làm sạch đa chiều cùng lực hút ấn tượng, mang lại...
Lần đầu tiên triển lãm chuyên ngành về vải không dệt - GENTEXH Vietnam 2025
Công ty Radeecal Exhicon (Ấn Độ) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo & Triển lãm Minh Vi (VEAS) vừa tổ chức buổi họp báo giới thiệu Triển lãm qu...
Hơn 1.000 doanh nghiệp triển lãm dệt may SaigonTex & SaigonFabric 2024
Ngày 10-4-2024, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may Thiết bị, nguyên phụ liệu & vải (SaigonTex & SaigonFabric 2024) được khai mạ...
Chi tiêu quốc tế dịp Tết của người Việt tăng cao gấp đôi mức tăng trưởng chi tiêu tại nội địa, dữ liệu từ Visa
Visa, công ty công nghệ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới, tiếp tục đem tới hiểu biết mới về người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, dựa trên dữ liệ...
Nhận nhiều ưu đãi đặc biệt khi mua xe Ford trong tháng 4
Ford Việt Nam kết hợp cùng hệ thống Đại lý trên toàn quốc triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt từ 1/4/2024 đến 30/4/2024 cho các dòng xe Ranger, Ev...
Để lại bình luận