Công ty khởi nghiệp Singapore Grab đã đánh dấu khoản lỗ ròng hơn 1 tỉ đô la trong quí 4 năm 2021, nâng tổng khoản lỗ năm vừa qua của hãng xe công nghệ này lên tới khoảng 3,4 tỉ đô la.
Câu hỏi đặt ra với nhiều người là công ty khởi nghiệp này đã "đốt tiền" vào đâu mà dẫn đến khoản lỗ khổng lồ như vậy?
Đáng chú ý, "Gã khổng lồ" gọi xe và giao hàng hàng đầu Đông Nam Á này đã chứng kiến vốn hoá bốc hơi 22 tỉ đô la kể từ khi IPO vào tháng 12 năm ngoái thông qua một thương vụ với công ty SPAC.
Sau khi nền tảng gọi xe và giao đồ ăn hàng đầu Đông Nam Á này báo cáo lỗ lớn và doanh thu suy giảm mạnh hơn dự báo trong quí 4-2021, ngay lập tức giá cổ phiếu của hãng công nghệ Grab Holdings (Singapore), niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ), giảm hơn 37% trong phiên giao dịch hôm 3-3.
Theo nhà khởi nghiệp này, khoản lỗ trong quí cuối cùng năm 2021 là do chi phí khuyến mãi và ưu đãi cho người dùng và các đối tác tài xế gia tăng.
Trong quí cuối năm ngoái, doanh thu kiểm toán của Grab, (sau khi trừ chi phí khuyến mãi và ưu đãi), giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020, xuống mức 122 triệu đô la, thấp hơn con số dự báo 167 triệu đô la của các nhà phân tích.
Mức lỗ ròng của Grab trong quí này cũng tăng gần gấp đôi so với quí 4-2020, phình to lên mức 1,055 tỉ đô la Mỹ, bao gồm chi phí liên quan đến niêm việc niêm yết cổ phiếu của Grab ở Mỹ hồi năm ngoái. Đây cũng là thương vụ IPO lớn nhất của một công ty Đông Nam Á trên Phố Wall.
Mức lỗ này đưa tổng lỗ ròng cả năm 2021 lên mức 3,4 tỉ đô la, so với mức lỗ ròng 2,6 tỉ đô la vào năm 2020.
Vốn hóa thị trường của Grab đã giảm từ mức gần 40 tỉ đô la vào thời điểm mới lên sàn vào đầu tháng 12, xuống mức 12,27 tỉ đô la vào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 3-3-2022. Chưa hết, cổ phiếu Grab đã giảm 0,9% trong giao dịch ngoài giờ ngày 3-3 về mức khoảng 3,28 đô la.
Grab cho biết hãng đang đầu tư mạnh mẽ để cải thiện các ưu đãi, thu hút thêm tài xế đối tác khi nhu cầu gọi xe phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Giám đốc tài chính Grab, Peter Oey tiết lộ nhu cầu gọi xe và đồ ăn đang tăng vọt, do vậy, công ty phải nỗ lực đáp ứng.
Trong quí cuối năm ngoái, tổng giá trị giao dịch (GMV) từ các dịch vụ Grab tăng 26% lên 4,5 tỉ đô la, với mảng giao hàng hóa và thực phẩm tăng đến 52%.
Tuy nhiên, doanh thu kiểm toán từ mảng giao hàng hóa và thực phẩm, chủ yếu là dịch vụ giao đồ ăn, giảm sâu đến 98%, do Grab “đốt tiền” cho các chương trình khuyến mãi và ưu đãi để duy trì vị thế số 1 ở thị trường Đông Nam Á cũng như do mọi người bắt đầu đi ăn trực tiếp ở tiệm nhiều hơn khi dịch bệnh lắng xuống.
Trong khi đó, doanh thu ở mảng gọi xe, chiếm 86% tổng doanh thu của Grab, giảm 27% trong quí cuối của năm ngoái.
Các ưu đãi mà Grab dành cho người dùng, gồm các chương trình giảm giá và khuyến mãi, tăng hơn gấp đôi, lên 365 triệu đô la trong quí 4, còn các ưu đãi dành cho đối tác tài xế tăng 74%, lên mức 218 triệu đô la.
“Grab đã chủ động đầu tư để tăng nguồn cung tài xế nhằm hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu di chuyển. Các chương trình ưu đãi dịch vụ di chuyển và giao hàng dành cho người dùng cũng tăng lên khi Grab đầu tư để nâng cao thị phần và tăng trưởng lượng người dùng giao dịch thường xuyên hàng tháng”, Grab giải thích trong thông báo kết quả kinh doanh.
Được thành lập vào năm 2012, Grab được ví như "siêu ứng dụng", cung cấp dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và hàng tạp hóa, ngân hàng di động và thanh toán ở Đông Nam Á. Năm 2021, Grab có khoảng 24 triệu người sử dụng mỗi tháng để thực hiện giao dịch ở 480 thành phố của 8 quốc gia.
Tuy nhiên, Grab đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các “siêu ứng dụng” khác như Gojek của Indonesia hay Shopee của Singapore.
Trong một báo cáo vào tuần trước, Ngân hàng DBS của Singapore cho biết Grab đã cung cấp các ưu đãi hào phóng cho tài xế và chiết khấu cao cho người dùng kể từ đầu năm 2022, nhằm gia tăng cạnh tranh với đối thủ GoJek.
Báo cáo nhận định: “Các chương trình khuyến mãi ở mảng dịch vụ di chuyển có thể đã làm tổn thương biên lợi nhuận của Grab”. Báo cáo cũng cho biết Grab đang mất dần thị phần giao hàng và thực phẩm ở Indonesia vào tay đối thủ Sea Limited, chủ sở hữu Shopee.
Cải thiện khả năng sinh lời là vấn đề rất quan trọng đối với Grab đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương chuyển sang xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu ngành công nghệ toàn cầu gần đây.
Grab lỗ liên tục kể từ khi thành lập và vẫn chưa chứng minh được rằng họ có thể sớm có lợi nhuận. Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của Grab khi tỷ lệ lây nhiễm và các hạn chế liên quan Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu gọi xe và giao đồ ăn.
Trong cuộc họp báo từ xa hôm 3-3, Anthony Tan, Giám đốc điều hành Grab, nói rằng năm 2022 sẽ là “một năm bước ngoặt khác đối với Grab”. Ông lưu ý rằng công ty đặt mục tiêu bắt đầu kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore và tiếp tục theo đuổi cơ hội trong mảng giao hàng theo yêu cầu.
Tính cả năm 2021, doanh thu của Grab tăng 44% so với năm trước lên 675 triệu đô la. Cú hích này đến từ sức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực giao hàng và dịch vụ tài chính.
Bất chấp khoản lỗ lớn, Grab vẫn "duy trì vị trí dẫn đầu danh mục đầu tư trên tất cả các ngành dọc cốt lõi", Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết. Ông Peter Oey nói thêm, công ty này vẫn tập trung vào con đường tìm kiếm lợi nhuận và sẽ tiếp tục cải thiện kinh doanh ở các mảng.
(T/h)