Vấn đề nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam là thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển, nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết của nền kinh tế và phát triển công nghiệp 4.0.
Cùng với giáo dục Đại học, các hệ giáo dục nghề nghiệp (gọi chung là cơ sở đào tạo) đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ… góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Bước vào CMCN 4.0 là bước vào thời đại kỷ nguyên số, đòi hòi tất cả ngành nghề ít nhiều đều liên quan đến kỹ thuật và công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế trong thời đại này là rất lớn. Tuy nhiên, giữa cung cầu là giá trị sức lao động, giá trị ngành nghề tạo ra. Ở bất cứ ngành nghề nào, ở trình độ nào đi nữa không có giá trị ngành nghề, giá trị sức lao động, đều sẽ bị thị trường lao động loại bỏ.
Trong điều kiện dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng, xem xét lại các lĩnh vực doanh nghiệp ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo Đại học và Giáo dục nghề nghiệp theo cách vận hành mới. Do đó, thách thức này đòi hỏi các cơ sở đào tạo nhân lực phải làm sao đào tạo ra những lao động phù hợp đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề tốt để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhà trường và doanh nghiệp cần có sự phối hợp trong quá trình đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh thực tập tốt nghiệp, cọ sát thực tiễn, hạn chế tối đa đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, chưa đi sát với thực tế công việc.
Các cơ sở đào tạo cũng đang tích cực gắn kết doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, tái đào tạo cho người lao động được thực hành, thực tập. Qua đào tạo nghề nghiệp, sẽ góp phần khôi phục thị trường lao động và giải quyết sớm thách thức về con người, về nguồn nhân lực hiện nay.
Trong bối cảnh đó, việc gắn kết 3 bên, Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng kịp thời nguồn lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững.
Gắn kết đào tạo với thị trường lao động và việc làm bền vững, trong đó cần hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm, câu lạc bộ quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở đào tạo, để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động. Từ đó, các hoạt động về thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, tạo dư luận xã hội… sẽ được các trường, kết hợp với doanh nghiệp thực hiện tốt, giúp cho sinh viên, học sinh hiểu rõ thị trường lao động và có sự chọn lựa phù hợp hơn cho nghề nghiệp, việc làm cũng như phấn đấu ổn định sự nghiệp, phát triển công việc lâu dài.
Đồng thời các doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo để chủ động cung cấp các thông tin nhu cầu lao động, phối hợp với nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo, góp phần cải thiện chất lượng trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Với hoạt động và các điều kiện này sẽ mở ra xu hướng mới, cơ hội việc làm mới cho sinh viên và các doanh nghiệp đồng hành, sẽ tuyển chọn được những ứng viên có nhiều kỹ năng và khả năng thích nghi tốt, đáp ứng cho điều kiện cần thiết của thị trường lao động hiện nay, chứng tỏ xu hướng của thị trường lao động là sự đồng điệu nhất quán giữa cơ sở đào tạo, người học và doanh nghiệp, hay nói cách khác nhân lực đã trở thành vốn quý, đáng trân trọng hơn, gắn liền hơn với sự phát triển bền vững của xã hội.
Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực