Giá vàng miếng trong nước sáng ngày 7-3 tiếp tục tăng mạnh, có thời điểm đã lên vượt mức 70 triệu đồng, gần tiến đến 71 triệu đồng/lượng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vàng liên tiếp lập đỉnh mới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng cho giá kim loại quý này tăng cao hơn nữa.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 7-3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mức 68,9 - 70,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chỉ vài phút giá vàng liên tục tăng nhanh.
Đến 9g30 giá vàng tại doanh nghiệp này niêm yết ở mức 69,4 - 70,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đây là kỷ lục mới trong lịch sử giá vàng. Như vậy, chỉ sau một đêm, giá vàng tiếp tục tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Sau khi giá vàng tăng sốc liên tục, website của SJC rơi vào tình trạng không thể truy cập được.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC 69 - 70,5 triệu đồng/lượng, cũng tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch chiều ngày 6-3. Riêng Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có mức tăng nhẹ hơn khoảng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện ở mốc 67,5 - 69,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco vẫn đang ở mức 1.972 đô la/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank: 1 đô la Mỹ = 22.980 đồng (VND), giá vàng thế giới tương đương 54,59 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước 15,71 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch kỷ lục mới từ trước đến nay trong lịch sử giá vàng.
Giá vàng thế giới tăng vọt vì lo Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga. Ngày 6-3 vừa qua có thông tin Nga sẽ tạm dừng đường ống Yamal-Europe nguồn cung cấp khí đốt sang hướng Tây. Động thái này sẽ khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế. Sự gián đoạn với thị trường năng lượng trên quy mô lớn sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng tương đương khủng hoảng dầu mỏ năm 1970, đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa.
Sau động thái của Nga, Mỹ và các đối tác châu Âu cho biết đang xem xét việc cấm nhập khẩu dầu Nga. Nếu lệnh cấm này được áp dụng sẽ làm tăng bất ổn thị trường, các nhà buôn, hãng vận chuyển, bảo hiểm và ngân hàng đều đang lo ngại việc kinh doanh hoặc hỗ trợ vốn để mua dầu Nga. Không chỉ giá vàng tăng mà giá dầu thô cũng tăng vọt (đang ở mức 139 đô la Mỹ/thùng).
Hiện 100% các chuyên gia đều dự đoán giá vàng thế giới sẽ vượt mốc 2.000 đô la/ounce. Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ tiếp tục tác động đến giá kim loại quý trong tương lai.
Theo khảo sát của Phố Wall, 100% các nhà đầu tư đều dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới.
Trong khi đó, trong cuộc khảo sát giá vàng trực tuyến với 1.013 phiếu phản hồi cũng cho thấy, 714/1.013 ý kiến (tương đương với tỷ lệ 70%) kỳ vọng vàng sẽ tăng giá vào tuần tới. 166/1.013 người khác (tương đương 16%) dự báo giá vàng giảm trở lại. 113/1.013 ý kiến còn lại (tỷ lệ 13%) có góc nhìn trung lập về giá vàng trong ngắn hạn.
Darin Newsom, Chủ tịch của Darin Newsom Analysis nhận địn, đà bứt phá của vàng thật ấn tượng với những gì diễn ra trên thế giới, việc vàng tăng giá hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý mà không hề tính đến các nguyên tắc cơ bản của thị trường hay các phân tích kỹ thuật.
Sean Lusk, Giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại của Walsh Trading, nhận định, mục tiêu chiếm lĩnh ban đầu của vàng sẽ là 2010 đô la/ounce. Nếu giá vàng không thể lên tới 2.000 đô la/oz trong môi trường có quá nhiều rủi ro và không chắc chắn như thế này, khó có thể dự đoán trước điều gì.