Sử dụng đồ chơi vũ khí mang tính bạo lực, sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, và sâu xa hơn là vấn nạn bạo lực học đường như một hệ quả tất yếu...Tuy nhiên, hiện mặt hàng này vẫn được bày bán công khai trên thị trường.
Đã có không ít cảnh báo về đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, nhưng trên thị trường vẫn tràn ngập cơ sở, cửa hàng bán mặt hàng độc hại này.
Chỉ cần bỏ ra từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi hình súng, lựu đạn đến các viên đạn nhựa… Trên nhiều trang mạng cũng rao bán công khai, đủ loại đồ chơi bạo lực như súng trường, súng lục, dao, kiếm nhật…
Không phải đến bây giờ dư luận mới hoài nghi về tác hại khôn lường từ những thứ đồ chơi bạo lực có nguồn gốc nước ngoài, nhưng để làm trong sạch thị trường mặt hàng này lại không dễ dàng. Ðồ chơi bạo lực thường được nhập lậu và đưa vào thị trường trong nước bằng cách trà trộn trong các lô hàng buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới.
Mới đây, theo Chất lượng Việt Nam, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh đồ chơi tại Khu thể thao công viên cây xanh Hà Đông, Kiến Hưng, Hà Đông do bà Ngụy Thị Linh Chúc làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng thực hiện kinh doanh ở nhiều địa điểm mà không thông báo với cơ quan chức năng theo quy định. Sử dụng mạng xã hội https://facebook.com/chuclinhh/ và tài khoản mạng Zalo mang tên Chuclinhh để kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Đoàn kiểm tra phát hiện 506 sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa có hình súng không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết, trước dịp Tết thiếu nhi đang tới gần, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, có xu hướng bạo lực đảm bảo môi trường phát triển an toàn cho trẻ nhỏ.
Thực tế hiện nay trên phương tiện thông tin đại chúng đang có rất nhiều tin tức về các xung đột vũ trang trên thế giới, kèm theo đó là những hình ảnh bạo lực, kích động bạo lực vì vậy hoạt động kinh doanh các sản phẩm đồ chơi có hình như súng nói trên có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ.
Nói về vấn nạn đồ chơi dành cho trẻ em nhưng mang tính bạo lực, đang được bán công khai trên thị trường, đồng thời nhiều phụ huynh cũng “vô tư” mua những sản phẩm độc hại cho con em chơi, chuyên gia tâm lý Lưu Minh Quân – Học viện Quản lý Giáo dục từng khuyến cáo: Trẻ em khi có trong tay những thứ đồ chơi đậm tính bạo lực, thường nghĩ mình là nhân vật trong phim và làm theo. Các hành động bay, nhảy, thậm chí coi các thành viên trong gia đình như đối thủ, kẻ thù và hành động giống trong phim. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các em. Nhất là các em trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi và 3 đến 6 tuổi. Đây là giai đoạn các bé đang học hỏi, nhận thức của con trẻ còn thiếu và yếu. Hơn nữa, ở giai đoạn này trẻ dễ tập nhiễm các hành vi, thói quen không tốt, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này đặc biệt là trong giai đoạn trẻ ở lứa tuổi vị thành niên.
Do vậy, việc cho trẻ chơi các đồ chơi bạo lực, đồ chơi có tính sát thương nhất là các loại đồ chơi phỏng theo các phim kiếm hiệp là vô cùng nguy hiểm.
“Ngoài việc đồ chơi bạo lực làm thay đổi tâm, sinh lý và có khả năng hình thành nên tính cách xấu như phân tích trên thì nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: trẻ ngủ ít, khó ngủ, hay mê sảng có những cử chỉ ngôn ngữ và phi ngôn ngữ biểu hiện theo nhân vật kiếm hiệp trong phim”, chuyên gia Lương Minh Quân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, sử dụng đồ chơi vũ khí bạo lực sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, bạo lực hơn, và sâu xa hơn là vấn nạn bạo lực học đường như một hệ quả tất yếu...
Để đảm bảo an toàn cho trẻ với đồ chơi, cha mẹ và người lớn nên lựa chọn các loại đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng theo quy chuẩn QCVN 3:2019/BKHCN nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ.
Ngoài ra, nhằm siết chặt quản lý đồ chơi trẻ em, Nghị định 167/2013 có quy định người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500.000 -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.