Trong những năm gần đây, một hướng đi mới sau khi Tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) đang nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của xã hội đó chính là: Chương trình học Trung cấp hoặc 9+ Cao đẳng, kết hợp học văn hóa Trung học phổ thông (THPT).
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm, giúp các em tìm được nghề mình yêu thích, tạo động lực học tập, theo đuổi đam mê và tránh lãng phí thời gian, tiền bạc cho gia đình và xã hội. Nhất là trong thời buổi hội nhập kinh tế, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng tăng thì kỹ năng tay nghề, năng lực làm việc mới là tiêu chí quan trọng nhất khi tuyển dụng nhân sự.
Có nhiều học sinh và phía gia đình các em, sau khi tốt nghiệp THCS đã mạnh dạn chọn cho con em mình ngành nghề phù hợp. Việc học nghề Trung cấp hoặc 9+ Cao đẳng mang lại nhiều lợi ích như rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, điều kiện tuyển sinh, đặc biệt là giá trị bằng cấp và cơ hội việc làm sau khi ra trường và có cơ hội hoàn thành chương trình học phổ thông ngay trong chương trình Trung cấp.
Sau khi tốt nghiệp ở trình độ Trung cấp hoặc 9+ Cao đẳng, người học bước vào thị trường lao động việc làm và nếu Trung cấp học tiếp Cao đẳng chỉ thêm 1,5 năm và Trung cấp hoặc Cao đẳng có thể học thẳng từ 02 - 03 năm sẽ hoàn tất Đại học.
Vấn đề quan trong nhất của nghề nghiệp trong tương lai là phải chọn nghề phù hợp khả năng bản thân, nhưng muốn làm việc có thu nhập cao, các bạn đều phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động tích cực. Mỗi người có một suy nghĩ, đam mê, sở thích, kỳ vọng vào tương lai... và mỗi người có những khả năng, kỹ năng và “cá tính” riêng biệt, do đó, không lựa chọn con đường tiến thân như nhau. Cùng với các ngành nghề của các trường Đại học đang đào tạo thì việc nhiều học sinh chọn học Cao đẳng, Trung cấp là chọn tương lai của sự thành công.
Hãy học những gì mà xã hội cần và phù hợp với năng lực, cũng như sở thích của mình. Vì vậy, mỗi học sinh phải chọn nghề, bậc học, chương trình học và trường đào tạo phù hợp với chính mình. Phải luôn tự tin và quyết tâm học thật tốt, nhưng quan trọng nhất là tạo được giá trị hành nghề, đó được xem là yếu tố chính để đi đến với thành công.
Thực tế, khi giỏi chuyên môn hay giỏi nghề thì điều kiện cần là phải am hiểu công nghệ, tư duy và sáng tạo... Thói quen xem trọng bằng cấp, chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Vì thế, thanh niên phải chọn nghề phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu phát triển của thị trường lao động (giá trị lao động, giá trị hành nghề).
Đối với nhu cầu nhân lực có trình độ Trung cấp chiếm trung bình 30,93%, trong khi nguồn cung nhân lực chỉ chiếm khoảng 7%; Cao đẳng trung bình 18,36%, trong khi đó Cung nhân lực chiếm 10%... Vì vậy, so với tốc độ tăng về nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ Trung cấp, Cao đẳng của doanh nghiệp có thể thấy đang tồn tại sự mất cân đối.
Dưới góc nhìn của thị trường lao động, thì nhóm ngành nghề bậc Cao đẳng và Trung cấp được dự báo sẽ cần nguồn nhân lực tương lai.
1. Ngành Công nghệ thông tin, máy tính - mạng máy tính, lập trình phần mềm và ứng dụng website, lập trình gam, lập trình di động, an ninh mạng, truyền thông và mạng máy tính.
2. Quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu - thương mại điện tử, marketing - digital marketing, logistics, quản trị doanh nghiệp, quản lý công nghiệp, quản lý khu đô thị - tòa nhà, quản trị kinh doanh bất động sàn, tài chính - ngân hàng - kế toán.
3. Công nghệ kỹ thuật cơ khí - cơ điện tử - kỹ thuật ô tô - tàu thủy, kỹ thuật nhiệt, tự động hóa, hàn công nghệ cao, điện - điện lạnh - điện công nghiệp; điện tử - điện tử công nghiệp - điện tử viễn thông - viễn thông và mạng máy tính - kỹ thuật máy tính và điều hòa không khí.
4. Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế 3D, họa viên kiến trúc.
5. Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng – kỹ thuật vật liệu xây dựng - công trình giao thông, trắc địa công trình, kỷ thuật kiến trúc, thiết kế nội thất, khai thác vận tải, sửa chửa máy thi công xây dựng - thi công công trình.
6. Du lịch, hướng dẫn viên du lịch, quản trị nhà hàng - khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn; Ngôn ngữ biên dịch - phiên dịch viên - thương mại tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn.
7. Y, Dược, Điều dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y hộ sinh, thẩm mỹ - chăm sóc sắc đẹp; vật lý trị liệu - công nghệ dưỡng sinh.
8. Khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, lâm sinh, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản; thủy lợi, Công nghệ thực phẩm, phát triển nông thôn, quản lý và kinh doanh nông nghiệp.
Trần Anh Tuấn
Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh