Mỗi người có cá tính, sở thích, đam mê và khả năng khác nhau thì sự kỳ vọng vào tương lai sẽ khác nhau... nên việc chọn con đường tiến thân sẽ không giống nhau. Do đó, có nhiều học sinh đã chọn học nghề từ rất sớm, điều này đồng nghĩa việc các bạn trẻ đã có tính hướng nghiệp cho tương lai cho chính mình.
Không chỉ vậy, xu hướng học sinh cấp cơ sở, phổ thông ngày nay, sau khi tốt nghiệp, không đua nhau vào các trường Đại Học mà chỉ chọn học tại các trường nghề… nhằm để thực tế hóa trong phát huy năng khiếu và làm đúng công việc yêu thích của mình.
Bên cạnh đó, với những con em có hoàn cảnh khó khăn, việc lựa chọn học nghề là để ra trường làm việc sớm, kiếm tiền nhanh, phụ giúp gia đình và tự thân lập nghiệp.
Đồng tình với hiện trạng này, nhiều phụ huynh cũng thấu hiểu được điều đó, muốn con em mình chọn đúng ngành nghề có sở trường, ưu thế, phát huy thế mạnh tự có… phần đông đã ủng hộ. Vì đây là con đường ngắn nhất dành cho các em, nếu cố đeo bám nhiều năm ở cấp Đại học mà điều kiện kinh tế gia đình không cho phép sẽ rất gian nan.
Trong khi đó, hệ đào tạo bậc Cao đẳng và Trung cấp được đánh giá là giải pháp giúp giải quyết nhiều khó khăn trong khâu phân luồng giáo dục, cân đối cung - cầu thị trường lao động, giảm tải được tình trạng thất nghiệp sau tốt nghiệp, do thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế, học không đúng sở thích, bản thân không đủ năng lực...
Từ thực tế cho thấy, những năm gần đây, các học viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, kể cả sơ cấp nghề luôn có nhiều cơ hội, nhiều khả năng tìm kiếm được việc làm tốt, đảm bảo về tài chính, thậm chí có mức lương cao ngay khi mới ra trường.
Theo nhận định của người có nhiều năm đánh giá nhu cầu nhân lược và làm công tác hướng nghiệp, tôi cho rằng, hiện có hơn 90% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề, làm việc đúng trình độ được đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Hiện tại, thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới là tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như trước đây. Nên việc học trung cấp, cao đẳng nghề là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định, đồng thời, các em vẫn có cơ hội được học tiếp lên các bậc cao hơn trong tương lai.
Theo khảo sát đánh giá, giai đoạn 2022 - 2025 đến năm 2035, thì nhu cầu nhân lực qua đào tạo tại các tỉnh khu vực phía Nam và TP. Hồ Chí Minh cần qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp chiếm bình quân trên 75% (với trình độ cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 30% và sơ cấp 25 %).
Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn so với việc gia tăng nhiều cơ hội việc làm cho người lao động qua đào tạo nói chung và các hệ giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Tất nhiên, khi học nghề, các học viên vẫn phải như sinh viên các trường Đại học, cần nỗ lực nhiều, tiếp cận điều kiện kỹ thuật, công nghệ, chuyên môn cao... Cùng với thách thức quan trọng hơn nữa là cần trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp để sau khi học xong, các bạn trẻ có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ tích cực, tự tin bước vào thị trường lao động.
Tóm lại, việc định hướng phát triển lao động ở Việt Nam cho thấy, những yêu cầu, điều kiện và mức độ sử dụng lao động hiện nay luôn phù hợp với rất nhiều bạn trẻ, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thể chọn cho mình một cấp học, bậc học, ngành học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để các em chọn lựa ngành nghề đúng với nhu cầu xã hội và có cơ hội thành công trong sự nghiệp tương lai.
Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM)