Khủng hoảng Ukraine khiến kinh tế thế giới rơi vào trạng thái trầm cảm
Nông Huyền Sơn
23/02/2022
Bài viết: 22
Bình luận: 0

Giới phân tích lo ngại thế giới sẽ bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây giữa lúc dịch covid 19 chưa lắng dịu. Những ngày tới, có thể khiến giá năng lượng và giá thực phẩm tăng chóng mặt, gây lo ngại về lạm phát tăng cao và khiến các nhà đầu tư sợ hãi. Tất cả những điều này là mối đe dọa đối với đầu tư và tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới.

Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo 2 khu vực ly khai Đông Ukraine ký thỏa thuận tại Điện Kremlin, Moscow, Nga hôm 21-2. (Ảnh: vov.vn)

Tuy nhiên, theo New York Times, những tác động tức thời từ cuộc khủng hoảng này sẽ không tàn khốc bằng việc đóng cửa đột ngột nền kinh tế hồi đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Động thái quân sự của phương Tây

Ngày 22-02, hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh triển khai thêm binh sĩ tới các nước Baltic, trong bối cảnh Nga công nhận hai vùng ly khai của Ukraina.“Tôi đã ra lệnh triển khai thêm binh sĩ Mỹ và trang thiết bị đang đóng ở châu Âu, để tăng cường sức mạnh cho các quốc gia đồng minh ở Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania” ông Joe Biden nói với hãng tin Al Jazeera.

“Để tôi làm rõ việc này, tất cả những động thái trên của chúng tôi đều nhằm mục đích phòng thủ. Chúng tôi không có ý định đánh nhau với Nga. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp ‘không thể nhầm lẫn’ rằng Mỹ sát cánh với các quốc gia đồng minh trong việc bảo vệ từng tấc đất của những nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và tuân thủ các cam kết mà chúng tôi đã thực hiện với NATO”, ông Biden nói thêm.

Quyết định điều quân trên của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia thuộc khối NATO, trong đó có Đức và Hungary, đã tuyên bố về việc điều quân tới các khu vực nằm cạnh Nga hoặc sát với Ukraina, sau khi chính quyền Moscow hôm 21/2 lên tiếng công nhận hai vùng ly khai ở miền đông Ukraina.

“Chúng tôi có thể gửi thêm quân tới Lithuania, nhằm đáp trả các hành động công nhận nền độc lập đối với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk thuộc miền đông Ukraina của chính quyền Nga. Rõ ràng rằng chúng tôi cần áp dụng các biện pháp răn đe nghiêm khắc hơn”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói với hãng tin Al Jazeera.

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cho biết, quyết định về việc Nga có điều động quân đội tới hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk thuộc miền đông Ukraina hay không, sẽ còn tùy thuộc vào việc chính quyền hai nước trên đưa ra lời đề nghị.

“Quyết định điều quân sẽ được đưa ra dựa trên diễn tiến của tình hình, dựa trên lời đề nghị của giới lãnh đạo các nước đó cũng như tính khả thi. Tôi nhắc lại rằng, mục đích chính của việc triển khai quân là nhằm đảm bảo tính mạng và sự an toàn của người dân hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk, vốn thường xuyên phải hứng chịu các hành động gây hấn từ Lực lượng vũ trang Ukraina”, hãng tin TASS dẫn lời ông Peskov nói.

Mặt trận kinh tế của phương Tây

Các nguồn tin khác cho biết từ ngày 23-2, Mỹ sẽ trừng phạt Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga, cũng như giới tinh hoa của nước này cùng các thành viên gia đình họ.

Trước đó, vào ngày 22-2, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Theo đó, EU sẽ đưa thêm nhiều chính trị gia, nhà lập pháp và quan chức Nga vào danh sách đen, cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu nhà nước Nga, và nhắm đến xuất nhập khẩu với các khu vực ly khai ở Ukraine.

"Gói trừng phạt được các nước thành viên nhất trí thông qua này sẽ gây tổn hại nhiều cho Nga", ông Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU - nói.

Đức ngừng chứng nhận đường ống khí đốt Nord Stream 2. (Ảnh: AFP)

Theo Reuters, gói trừng phạt sẽ nhằm vào tất cả thành viên của Hạ viện Nga đã bỏ phiếu công nhận độc lập của hai vùng Donetsk và Luhansk, đóng băng tài sản của họ và cấm họ đến EU.

Hiện không rõ thời gian bắt đầu có hiệu lực của gói trừng phạt này.

Theo ông Borrell, EU sẽ nhắm đến 27 cá nhân và thực thể có vai trò trong việc đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine. Các đối tượng bị trừng phạt thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng và quốc phòng.

Tuy nhiên, ông Borrell cho biết các ngoại trưởng EU đã không lựa chọn trừng phạt ông Putin.

Cùng ngày, theo Hãng tin AFP, Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, nói rằng các hành động của Matxcơva nhắm đến Ukraine là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".Phản ứng lại, phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp.

Những cơn dư chấn thương mại

Nga là một cường quốc xuyên lục địa với 146 triệu dân và một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Nước này cũng là nhà cung cấp chính về dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu thô cho các nhà máy trên thế giới. Nhưng không giống như Trung Quốc - một cường quốc về sản xuất và có mối quan hệ chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Nga đóng vai trò khá nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, dù chỉ bằng một nửa dân số và ít tài nguyên thiên nhiên hơn Nga, song Italia lại có nền kinh tế lớn gấp đôi Nga. Còn Ba Lan thì xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Liên minh châu Âu hơn cả Nga.

Ông Jason Furman, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, từng là cố vấn của Tổng thống Barack Obama cho biết: "Nga không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, ngoại trừ dầu khí. Về cơ bản đó là một trạm xăng lớn". Tất nhiên, một trạm xăng đóng cửa vẫn có thể làm tê liệt những ai phụ thuộc vào nó. Nhưng bất kỳ thiệt hại về kinh tế nào cũng sẽ không lây lan dữ dội ở những quốc gia không phụ thuộc.

Tuy nhiên, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) Helima Croft cho rằng, Nga không chỉ là một trạm xăng mà nước này còn là "siêu thị hàng hóa, một nhà sản xuất kim loại lớn".

Châu Âu hiện tiêu thụ 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga. Đây sẽ là những nước có khả năng bị ảnh hưởng khi các hóa đơn sưởi ấm và khí đốt vốn đã tăng cao. Trong khi đó, dự trữ khí đốt của khu vực này đang ở mức thấp hơn 1/3 công suất dự trữ. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin giảm nguồn cung để đạt lợi thế chính trị.

Cùng với giá năng lượng, giá thực phẩm cũng đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, phần lớn do chuỗi cung ứng bị tê liệt trong đại dịch. Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, cùng với Ukraine, cả hai đang chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Với nhiều quốc gia, sự phụ thuộc này còn lớn hơn nhiều. Bởi dòng ngũ cốc đó chiếm hơn 70% tổng lượng nhập khẩu lúa mì của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó nếu tình hình Ukraine "nóng" lên chắc chắn sẽ gây căng thẳng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đang vừa phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế vừa phải chống chọi với lạm phát tăng cao tới gần 50%, trong đó giá thực phẩm, nhiên liệu và giá điện tăng như tên lửa.

Và như thường lệ, gánh nặng sẽ rơi vào những người dễ bị tổn thương nhất. "Người nghèo sẽ phải dành phần lớn thu nhập cho lương thực và sưởi ấm", ông Ian Goldin, giáo sư toàn cầu hóa và phát triển tại Đại học Oxford nói.

Ukraine, từ lâu được coi là "giỏ bánh mì của châu Âu", khi nước này xuất khẩu hơn 40% lượng lúa mì và ngô sang Trung Đông và châu Phi. Vì vậy, chiến sự bùng phát ở đất nước này sẽ khiến cho các nước nhập khẩu của Ukraine lo ngại về tình trạng thiếu lương thực và giá cả gia tăng sẽ gây ra bất ổn xã hội.

Ví như Lebanon, quốc gia đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc nhất trong hơn một thế kỷ qua, đang nhập hơn một nửa lượng lúa mì từ Ukraine. Quốc gia Đông Âu này cũng là nước xuất khẩu dầu ăn từ hướng dương và hạt cải lớn nhất thế giới.

Tùy thuộc vào những gì đang và sắp xảy ra, những tác động đáng kể nhất đối với nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ biểu hiện rõ ràng hơn về lâu dài, nhưng có một điều là diễn biến này sẽ thúc đẩy Nga có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Hai quốc gia này gần đây đã đàm phán một hợp đồng kéo dài 30 năm về việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua một đường ống mới.

"Nga có thể xoay chuyển toàn bộ năng lượng và hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics, cho biết.

Cuộc khủng hoảng cũng góp phần đánh giá lại cấu trúc nền kinh tế toàn cầu và lo ngại về khả năng tự cung tự cấp. Đại dịch đã nêu bật những mặt trái của chuỗi cung ứng toàn cầu là quá phụ thuộc vào sản xuất tinh gọn. Và giờ đây, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga đang thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc phải mở rộng các nguồn cung năng lượng. Điều này có thể ngăn cản sự hiện diện của Nga trong nền kinh tế toàn cầu.

"Về lâu dài, nó sẽ thúc đẩy châu Âu đa dạng hóa nguồn cung", ông Jeffrey Schott, một thành viên cấp cao về chính sách thương mại quốc tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói. Theo ông, đối với Nga, chi phí thực tế "sẽ bị bào mòn theo thời gian và thực sự gây khó khăn hơn nhiều khi các nhà đầu tư làm ăn với các thực thể của Nga".

(T/h)

Cùng chủ đề
Ban IV: Phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về dòng vốn. Trong khi đó, một số ngành như...
CMC giúp các em nhỏ dị tật khe hở môi, hàm ếch viết tiếp ước mơ
Mới đây, đại diện CMC đã tham dự chương trình Phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân mang dị tật khe hở môi, hàm ếch tại Bệnh viện Việt Nam – Cu B...
Không có chuyện Malaysia bán xăng 13.000 đồng/lít cho Việt Nam
Giá xăng 13.000 đồng một lít của Malaysia là bán tại thị trường nội địa nước này, không phải là giá xuất khẩu và không phải mức đề xuất bán cho Việt N...
Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh phải tạo đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) thời kỳ 2021-...
ADB và BIDV dự báo lạm phát Việt Nam năm nay có thể lên đến 4,2%
ADB và BIDV dự báo trong năm nay lạm phát Việt Nam tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023. Đáng chú ý trong báo...
Ban IV: Phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về dòng vốn. Trong khi đó, một số ngành như...
CMC giúp các em nhỏ dị tật khe hở môi, hàm ếch viết tiếp ước mơ
Mới đây, đại diện CMC đã tham dự chương trình Phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân mang dị tật khe hở môi, hàm ếch tại Bệnh viện Việt Nam – Cu B...
Không có chuyện Malaysia bán xăng 13.000 đồng/lít cho Việt Nam
Giá xăng 13.000 đồng một lít của Malaysia là bán tại thị trường nội địa nước này, không phải là giá xuất khẩu và không phải mức đề xuất bán cho Việt N...
Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh phải tạo đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) thời kỳ 2021-...
ADB và BIDV dự báo lạm phát Việt Nam năm nay có thể lên đến 4,2%
ADB và BIDV dự báo trong năm nay lạm phát Việt Nam tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023. Đáng chú ý trong báo...
Để lại bình luận