Trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và mỗi người lao động nói riêng, nên tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho họ, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc, tư duy sáng tạo... đang là yêu cầu cấp thiết.
Đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững vừa là nhu cầu bức thiết, vừa là thách thức cần phải vượt qua. Trong kinh tế tri thức ở trình độ công nghiệp 4.0, đổi mới, sáng tạo trở thành nguồn năng lượng và động lực chủ yếu của sự tăng trưởng và phát triển, đồng thời là nhân tố chính quyết định sự tiến bộ xã hội, là yếu tố làm thay đổi nhanh chóng cách thức tổ chức quản lý.
Vì thế, cách tiếp cận hệ thống giáo dục - đào tạo mở đã có những thay đổi căn bản, từ đào tạo chuyên môn hóa sâu sang đào tạo đa kỹ năng cần thiết cho người lao động, để họ có thể thích nghi, tiếp nhận và sẵng sàng đối mặt với những thách thức đó.
Năng lực thực hành nghề được dựa trên các tiêu chí cụ thể của kết quả đào tạo từng nhóm ngành nghề, phản ánh đúng mục tiêu đào tạo của từng giai đoạn và toàn bộ chương trình. Năng lực thực hành nghề chính là kiến thức để hiểu được và làm được của sinh viên - học sinh các hệ đại học và giáo dục nghề nghiệp, đạt chuẩn đầu ra đúng mục tiêu đào tạo và nhu cầu tại doanh nghiệp (mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp).
Cụ thể là, khả năng thích ứng nhanh trong môi trường sản xuất kinh doanh có năng suất, chất lượng, để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp ngay khi tuyển dụng, có ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật, thực hiện tốt tác phong công nghiệp, an toàn và vệ sinh công nghiệp…
Cần xây dựng các tiêu chí và thang điểm đánh giá năng lực thực hành nghề như sau:
- Trình bày đúng quy trình kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ;
- Năng lực làm việc theo quy trình đạt (cao, thấp) hay không đạt;
- Kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị, công cụ làm việc có liên quan công việc;
- Động tác, tốc độ thực hiện công việc sản xuất - kinh doanh, kết hợp cùng sự nhạy bén trong việc thích nghi và ứng dụng.
Vấn đề đặc trưng nữa, thông thạo ngoại ngữ đang dần trở thành một kỹ năng không thể thiếu, là tiêu chuẩn hàng đầu để các công ty, tập đoàn lớn tuyển dụng cũng như cân nhắc vào những vị trí quản lý. Vì vậy, việc biết ngoại ngữ không những là yêu cầu tất yếu của lao động có kỹ thuật, tay nghề cao, mà còn là một năng lực cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Song song đó, các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu các ứng viên phải có kiến thức về công nghệ thông tin, để sử dụng máy tính, các phần mềm ứng dụng, tin học văn phòng, internet... Người lao động cũng nên ý thức rằng, việc sử dụng thành thạo các kỹ năng đó sẽ là một công cụ hữu hiệu phục vụ không chỉ cho công việc mà cho cả cuộc sống hàng ngày, là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội trong thời đại hiện nay.
Chính vì vậy, việc trang bị trang đầy đủ, toàn diện những kỹ năng mềm sẽ góp phần bổ trợ và hoàn thiện hơn năng lực làm việc của người lao động và quyết định vị trí của mình trong một nhóm, đội, tập thể và cả tổ chức. Tất cả các yếu tố này còn giúp cho công việc và mối quan hệ trong lao động việc làm trở nên chuyên nghiệp hơn.
Trần Anh Tuấn - Chủ tích HĐKH Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực