Tại Việt nam, vấn đề thất nghiệp được nhiều cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia phân tích từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nếu nhìn về từ khía cạnh nguồn cung nhân lực so với nguồn cầu của thị trường lao động sẽ cho thấy các vấn đề thực tế sau:
1. Chênh lệch cung – cầu lao động
Có thể thấy hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp, đó là có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo. Ngược lại, tuy số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng có nhiều người có nhu cầu tìm việc làm nhưng không đáp ứng được trình độ hoặc ngườ lao động không muốn làm những công việc đó.
Trường hợp thứ nhất là "thiếu hụt chỗ làm việc", trường hợp thứ hai là "không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực". Như vậy, có thể nhận định nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế kinh tế – xã hội.
2. Chưa được hướng nghiệp ngay từ đầu
Học sinh không có định hướng nghề nghiệp trước khi học nghề, dẫn đến việc học sinh đi sai đường, chọn sai ngành, điển hình là:
- Chọn theo cảm tính, chọn ngành hot mà không hiểu rõ đó là ngành nghề như thế nào.
- Chọn do bạn bè, người thân hướng dẫn, vận động, kêu gọi.
- Chọn theo ý kiến quyết định của người nhà cha, mẹ, anh, chị.
- Chọn ngành nghề, bậc học, trường đại học trong nước và quốc tế theo xu hướng mà không quan tâm tới điều kiện gia đình, đam mê, sở thích, năng lực bản thân.
- Không tìm hiểu từ trước, đến giai đoạn phải chọn học nghề thì vội vàng chọn mà không cần tìm hiểu sự phù hợp.
- Vì quá thích 1 trường mà đăng ký bằng được vào 1 ngành trong trường đó.
3. Thiếu các kỹ năng mềm khi làm việc.
Điều kiện tương tác trong nhiều môi trường khác nhau, người lao động luôn cần các kỹ năng để hỗ trợ công việc như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, tự học hỏi, thuyết trình… Đây còn là những kỹ năng cơ bản luôn cần thiết cho đời sống.
4. Chất lượng đào tạo và học tập chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội kể cả năng lực giao tiếp, ngoại ngữ.
5. Đa số tự tin vào bằng cấp nhất là bằng đại học, ít chú ý về thái độ làm việc và kỷ luật lao động.
Nhiều sinh viên, học sinh chưa chủ động trong quá trình chuẩn bị nghề nghiệp cho mình, chưa nắm chắc tình hình phát triển kinh tế – xã hội, những ngành nghề mới hoặc những tiêu chí tuyển dụng mới, điều kiện mới… để có tâm thế sẵn sàng lựa chọn nghề nghiệp việc làm, tự tạo việc làm cho bản thân.
Theo nhiều doanh nghiệp, những ứng viên tìm việc làm với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều, thậm chí rất nhiều. Nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo – đặc biệt là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp thì rất ít.
Lời khuyên của chúng tôi, những người có nhiều năm chuyên môn về dự báo thị trường lao động và hướng nghiệp… Các bạn hãy học những gì mà xã hội cần và phù hợp với năng lực, cũng như sở thích của chính mình.
Trên thực tế những khó khăn đang tồn tại, các vùng miền chưa đồng đều về nhu cầu nhân lực, nhất là sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp, có nguyện vọng về lại quê hương làm việc, thường đối mặt với những khó khăn như vị trí công việc, hình thức tuyển dụng, điều kiện công việc… trái với ngành nghề được đào tạo.
Đơn cử như, cử nhân, kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật thì thiếu mà cử nhân chuyên ngành hành chính, xã hội thì dồi dào. Do đó những ngành nghề được đào tạo nhiều có sức cạnh tranh rất cao khiến cho nhiều tân cử nhân chưa thể có việc làm ngay.
Cho nên, đối với học sinh, sinh viên, các bạn phải cần xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và đề ra hướng phát triển nghề nghiệp đúng đắn, không ngừng làm giàu kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp... để kịp thời tiếp cận với xu thế mới của thị trường lao động một cách bền vững và nhanh chóng.
Trần Anh Tuấn
(Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế)