Số liệu cập nhật của cơ quan xúc tiến đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quí 1 vừa qua, cả nước có đến 734 lượt giao dịch mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài thành công, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn đầu tư qua giao dịch M&A của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng gấp đôi.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 322 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này dù tăng đến 37,6%, nhưng so với số lượt giao dịch thành công qua hình thức đầu tư M&A của cùng thời gian trên thì chỉ bằng chưa tới phân nửa.
Cụ thể theo số liệu cập nhật của cơ quan xúc tiến đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quí 1 vừa qua, cả nước có đến 734 lượt giao dịch mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc dẫn đầu đầu tư qua giao dịch M&A ở Việt Nam với 277 lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước trong 3 tháng vừa qua. Trong khi đó, số dự án FDI của nhà đầu tư đến từ xứ kim chi trong cùng thời gian này chỉ có 58 dự án được cấp phép, tức chỉ bằng 1/5 lượng giao dịch qua hình thức mua bán – sáp nhập.
Nhà đầu tư đến từ quốc đảo sư tử Singapore cũng luôn nằm tốp đầu về dự án FDI được cấp phép đầu tư nhiều ở Việt Nam trong quí 1-2022 cũng có đến 80 lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam thành công, cao hơn gấp đôi số dự án FDI mà doanh nghiệp nước này đầu tư vào Việt Nam trong 3 tháng vừa qua.
Một quốc gia khác cũng đang cho thấy các nhà đầu tư có xu hướng đẩy mạnh giao dịch qua hình thức M&A ở Việt Nam là Trung Quốc. Nước này trong quí 1 có 54 lượt giao dịch thành công, vượt qua các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản (chỉ đạt 44 giao dịch).
Đáng chú ý là nhà đầu tư đến từ Mỹ trong cùng thời gian trên có đến 42 lượt giao dịch M&A thành công, cao hơn gấp đôi số dự án FDI của nhà đầu tư nước này được cấp phép đầu tư vào Việt Nam trong 3 tháng vừa qua, chỉ 18 dự án.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có sức hút với các nhà đầu tư Đài Loan đầu tư qua hình thức góp vốn mua cổ phần với 37 giao dịch thành công, cao hơn gấp đôi so với dự án đầu tư trực tiếp được cấp phép của doanh nghiệp khu vực này trong 3 tháng đầu năm nay.
Các nhà đầu tư từ Đức, Pháp cũng rót vốn qua giao dịch góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với mỗi quốc gia có 15 lượt giao dịch thành công trong cùng thời gian trên.
Năm 2022 được các chuyên gia dự báo sự phục hồi nhanh của thị trường thế giới, nhất là các nền kinh tế đối tác của Việt Nam, dòng tiền đổ vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) được dự báo sẽ sôi động hơn khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Các ngân hàng, công ty tư vấn M&A dự đoán sẽ có một “vụ mùa bội thu” trong mảng M&A vào năm nay. Do đó, khả năng số lượt giao dịch của nhà đầu tư ngoại qua hình thức mua cổ phần doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Không chỉ tăng cao về lượt giao dịch thành công, đầu tư qua hình thức thâu tóm, mua cổ phần doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng mạnh về số vốn. Cụ thể tổng giá trị vốn góp qua giao dịch M&A của nhà đầu tư ngoại đạt trên 1,63 tỉ đô la, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù lượt giao dịch và vốn đang dần tăng cao lên, tuy nhiên vốn đầu tư qua hình hình M&A vẫn thể bằng vốn FDI. Cụ thể theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng lượng vốn qua giao dịch M&A của nhà đầu tư ngoại trong 3 tháng vừa qua chỉ đạt 1,63 tỉ đô la; trong khi cùng thời gian này vốn FDI cam kết vào Việt Nam là cao gấp đôi, đạt hơn 3,2 tỉ đô la.