Ngày 13-4, hơn 800 đại diện đến từ hơn 500 doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ tham dự lễ khai mạc Tuần lễ giao thương ngành nội thất Việt Nam - Vietnam Furniture Matching Week 2022 (VFMW 2022) diễn ra tại TPHCM.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hàng trăm đại diện nhà mua hàng quốc tế đến tìm hiểu và tìm kiếm nhà sản xuất, cung cấp đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), sự kiện diễn ra vào đúng thời điểm đặt hàng cho mùa kinh doanh nội thất cuối năm trên toàn thế giới, VFMW 2022 thu hút được đông đảo sự chú ý của doanh nghiệp nội địa lẫn quốc tế.
Đáng chú ý là đội ngũ mua hàng quốc tế (sourcing) đến từ rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Mitchell Gold + Bob Williams; Lidl & Kaufland Asia; Target Corporation; HOME DEPOT; Williams Sonoma Vietnam LLC; OBI Group sourcing Hong Kong Limited in Vietnam; El Corte Ingles, HK; DELTA-SPORT VIETNAM; TJX Việt Nam; Four Hands…
Cũng theo ông Phương, nhiều nhà mua hàng lớn trên thế giới đã chuyển đơn hàng đơn hàng gia công, sản xuất từ các nước khác, trong đó đáng chú ý là từ Trung Quốc sang Việt Nam.
“Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước, đến thời điểm hiện nay doanh không chỉ kín đơn hàng đến quí 3, một số doanh nghiệp cũng đã chốt xong đơn hàng hết năm 2022”, ông Phương chia sẻ, và cho biết “Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ/tháng thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 16,5 tỉ đô la cuối năm 2022 hoàn toàn khả thi”.
Tuần lễ không chỉ giúp doanh nghiệp trưng bày quảng bá sản phẩm mà còn có thể kết nối nhu cầu kinh doanh trong toàn hệ sinh thái từ sản xuất, thiết kế, phân phối đến các dịch vụ vận chuyển, kiểm định.
VFMW còn tổ chức hàng loạt các hoạt động giao thương online trên nền tảng trực tuyến hopefairs.com với hơn 100 doanh nghiệp tham gia trưng bày để phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho biết, VFMW 2022 được tổ chức trong bối cảnh khá đặc biệt, nhu cầu nội thất vẫn tăng cao nhưng chuỗi cung ứng của ngành vẫn đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dịch bệnh lẫn chiến sự ở Ukraine. Do vậy, Ban tổ chức phải đáp ứng được nhu cầu kết nối giao thương lẫn định hướng, đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các thử thách mang tính thời sự, xuất hiện khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn, cụ thể nhất là vấn đề logistic, nguyên liệu, chi phí sản xuất…
“Vietnam Furniture Matching Week 2022 thu hút được đông đảo sự chú ý của doanh nghiệp nội địa lẫn quốc tế, nhất là đội ngũ mua hàng đến từ rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Từ 300 người tham dự trong lần tổ chức đầu tiên vào năm ngoái, Vietnam Furniture Matching Week 2022 đang quy tụ được hơn 800 đại diện đến từ hơn 450 đơn vị trong ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự phục hồi và hoạt động sôi nổi của ngành gỗ hiện nay”, ông Khanh chia sẻ thêm.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức các hoạt động trực tuyến nền tảng HOPE, cũng những chuỗi sự kiện VFMW 2022 của HAWA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, đây là một hoạt động đóng vai trò quan trọng để duy trì hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới trong mùa đặt hàng cao điểm 2022.
“Khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn hạn chế việc đi lại quốc tế, việc giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành lẫn các hiệp hội. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ để góp sức cho doanh nghiệp nội thất Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế trên trường thế giới”, ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Phương, cùng với dịch bệnh, những biến động về chính trị thế giới thời gian gần đây cũng đang gây nên xáo trộn đáng kể cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và nhất là tình hình và chi phí logistics.
Sự kiện do HAWA, Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), Sở Công Thương TPHCM phối hợp tổ chức.
Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, hàng loạt các hội thảo chuyên đề được tổ chức, trên cả hình thức truyền thống lẫn hiện đại. Phục vụ cho công tác phát triển sản xuất là Hội thảo giao thương “Kết nối chuỗi cung ứng vật liệu nội thất cho dự án” tổ chức bởi HAWA và Hiệp hội xây dựng & vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA); Hội thảo “Xu hướng vận tải logistic trong tình hình mới. Doanh nghiệp ngành gỗ thích ứng để phát triển” tổ chức bởi HAWA và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mang đến DN thông tin mới nhất về tình hình chuỗi cung ứng và cách thức thích ứng.
Riêng Tọa đàm “Chuyển đổi số ngành Gỗ & Công bố sáng kiến phát triển mạng lưới CIO ngành Gỗ” do HAWA và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) sẽ giúp các DN có cái nhìn cụ thể về tiến trình chuyển đổi số đang diễn trong ngành, cũng như cách thức chuẩn bị để triển khai chuyển đổi số hiệu quả.
Trên nền tảng online, các webinar cung cấp thông tin về thị trường Anh, New Zealand, chuỗi broadcast về hiệp định RCEP sẽ mang đến DN trong ngành những thông tin hữu ích về nhu cầu nội thất ở các thị trường nhập khẩu tiềm năng lẫn cách thức chinh phục khách hàng ở các thị trường mới.