Lãnh đạo một số địa phương cho biết khi tìm cách chủ động vaccine phòng Covid-19 để sớm tiêm cho người dân, họ gặp khó khăn về nguồn cung và cơ chế triển khai.
Sau khi TP HCM được Chính phủ đồng ý cho nhập vaccine, lãnh đạo Đà Nẵng đã gửi văn bản đến Bộ Y tế và Chính phủ để xin cơ chế tương tự. "Hôm 16/6, thành phố tiếp tục xin ý kiến Chính phủ để tự mua vaccine tiêm cho người dân. Chúng tôi cũng đang tìm nguồn cung cấp vaccine để đàm phán", bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay.
Đà Nẵng cần tiêm vaccine cho khoảng 800.000 người, tương đương với 1,6 triệu liều. Đến nay qua 3 đợt phân bổ của Bộ Y tế, thành phố mới nhận được khoảng 33.000 liều.
"Chính phủ đã có cơ chế mở để địa phương, doanh nghiệp chủ động tiếp cận mua, nhập vaccine. Song vấn đề đặt ra là khả năng của địa phương và doanh nghiệp trong việc này như thế nào, vì hiện nay để tiếp cận, đàm phán được nguồn vaccine thường phải ở cấp Chính phủ. ", ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, chia sẻ băn khoăn.
Theo ông, hiện các doanh nghiệp và địa phương như Đà Nẵng khi tiếp cận nguồn vaccine rất khó đàm phán trực tiếp mà phải thông qua kênh thứ ba. Trong khi đó, mong muốn của địa phương là nguồn vaccine chính thống, rõ ràng về nguồn gốc; giá; cơ chế vận chuyển, bảo quản đáp ứng yêu cầu; cơ chế tiêm đảm bảo an toàn, nhanh chóng...
TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ chấp thuận chủ trương mua và nhập vaccine Covid-19.
Theo kiến nghị gửi Thủ tướng hôm 11/6, TP HCM đặt mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số. Thành phố hiện có 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Sau khi vaccine được nhập về, kiểm định chất lượng, doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê đơn vị có chức năng tiêm cho nhân viên. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, thành phố đã đàm phán để mua 5 triệu liều vaccine Covid-19.
Ngày 15/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND TP HCM về việc mua và nhập khẩu vaccine Covid-19. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm định, quản lý chất lượng vaccine; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêm chủng.