Trong những năm gần đây, với bối cảnh Hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc CMCN lần thứ 4 và nhiều điều kiện khách quan… đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong đó, năm 2020 – 2021, kể đến là đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh, khiến các ngành nghề dường như bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, giải trí… đến các ngành chế biến, các doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày, chế biến gỗ, hàng tiêu dùng, bia, rượu, nước giải khát… tất cả đều gặp khó khăn chung.
Trường hợp, nếu tồn tại vấn đề “bất ổn” này lâu dài, sẽ kéo theo việc ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, khách quan cho thấy ngành nghề nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì phục hồi và đi lên nhanh nhất, đặc biệt những ngành nghề gắn với kinh tế số và đáp ứng được điều kiện thực tế sẽ có nhu cầu và thu nhập cao.
Theo đánh giá chung, thì lực lượng tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai, làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt với các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao". Còn nhân lực chất lượng cao phải là nhân lực có 4 đặc trưng chính: có trí tuệ, nhân cách, tay nghề vượt trội và có năng lực thực tế...
Đối với lao động tay nghề, họ muốn trở thành một người thạo nghề thạo việc, để hội nhập trong giai đoạn mới, kể cả khi xuất khẩu lao động, di chuyển lao động hay hội nhập khu vực… họ phải chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề tốt, thái độ làm việc chuyên nghiệp… vì thị trường lao động vẫn luôn cần nhân lực chất lượng cao, cần người giỏi chuyên môn, làm tốt một nghề, thành thạo ngoại ngữ.
Còn đối với những ngành nghề sử dụng lao động có kỹ năng thấp, môi trường, điều kiện việc làm thấp, sẽ mất lợi thế cạnh trạnh, mất việc làm… nhưng đồng thời cũng sẽ thiếu rất nhiều những người có kỹ năng và thái độ làm việc tốt.
Vì vậy luôn tồn tại một nghịch lý, nơi thừa lao động phổ thông, nơi thiếu lao động tay nghề đã qua đào tạo, lao động chuyên nghiệp, tạo ra sự chênh lệch cung - cầu lao động, mất cân đối giữa các ngành nghề, nhiều người tìm không được việc làm hoặc mất việc làm, trong khi các doanh nghiệp cần người làm thì lại không tuyển dụng được nhân sự.
Hiện tại, trong thời điểm CMCN 4.0, điều kiện xã hội có thể làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều nghề mới, hay nói cách khác, nhu cầu thị trường lao động có thể mang lại cơ hội mới, nhưng cũng sẽ đóng vai trò đào thải những ngành nghề tụt hậu, không bắt kịp xu hướng và khó đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo dự báo lao động việc làm thời gian tới, những công việc liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, sẽ trở thành xu hướng và phát triển nhanh trong tương lai. Vấn đề là phải đào tạo lại cho người lao động dựa trên nền tảng số như hiện nay, để khả năng thích ứng của người lao động với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng trở nên dễ dàng hơn.
Đồng thời, cũng sẽ tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề cao, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà đầu tư khi chuyển giao công nghệ và xây dựng các công xưởng sản xuất mới.
Trong đó, dự báo nhóm ngành nghề được dự đoán sẽ cần nguồn nhân lực tương lai:
1. Ngành Công nghệ thông tin (ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin), Khoa học máy tính (công nghệ máy tính, công nghệ phần mềm, lập trình phần mềm, lập trình game), Hệ thống thông tin (trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an ninh mạng).
2. Kinh tế - Thương mại, Quản trị kinh doanh - Thương mại điện tử, Marketing - Digital Marketing, Logistics, Quản trị nhân lực, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính kế toán - kiểm toán, Thương mại điện tử - Kỹ thuật số, Kinh doanh điện tử (Business Computing hay E - Business) - Truyền thông số (Digital Marketing) - Business Intelligence and Digital Marketing Logistics.
3. Công nghệ kỹ thuật Cơ khí (Cơ điện tử, Chế tạo máy, Nhiệt, Công nghệ kỹ thuật Ô tô - Tàu thủy), Tự động hóa, Điện - Điện tử, Công nghệ Hàn, Công nghệ Dệt - Sợi – May, Quản lý công nghiệp, Bảo dưỡng công nghiệp.
4. Kiến trúc, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế 3D, hoạt hình 3F mỹ thuật ứng dụng, Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Khoa học môi trường, Khoa học và công nghệ vật liệu.
5. Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Khoa học xã hội - Tâm lý, Luật, Ngôn ngữ (Biên dịch - Phiên dịch viên tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn).
6. Y, Dược, Điều dưỡng, Nha khoa, Kỹ thuật y học, Y tế công cộng và quản lý y tế, Thẩm mỹ - Chăm sóc sắc đẹp; Công nghệ dưỡng sinh.
7. Công nghệ Nông - Lâm (Khoa học cây trồng, Quản lý đất đai, Khoa học môi trường, Chăn nuôi - Thú y, Lâm sinh, Công nghệ sau thu hoạch), Công nghệ Thủy - Hải sản (Nuôi trồng, Chế biến); Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Sinh học - Hóa (Dược, Sinh, Mỹ phẩm, Thực phẩm...).
8. Sư phạm kỹ thuật và Sư phạm giáo dục, Quản lý giáo dục.
Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế)