Báo Thanh Niên Online đưa tin, trong tiết học đầu năm Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Hoá học trường Lê Thánh Tôn, quận 7, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức một trò chơi nhỏ cho các học sinh tại lớp. Thầy đã dùng tiền túi làm lì xì với mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 500.000 đồng dán lên bảng. Học sinh nào vượt qua được các câu hỏi kiểm tra kiến thức sẽ được cơ hội quay vòng quay may mắn để nhận tiền lì xì. Việc tổ chức trò chơi lì xì trong tiết học đầu năm này đã được thầy Thanh tổ chức nhiều năm liền và luôn được các học trò hào hứng hửng ứng.
Câu chuyện thu hút được nhiều ý kiến trái chiều nhau trên mạng xã hội. Một số người không đồng ý với cách làm này. Họ cho rằng, thầy đã tạo một tiền lệ xấu trong tâm lý học sinh. Trò chơi này sẽ khiến học sinh trở thành kẻ "lệ thuộc" vào tiền. Có tiền mới chịu học. Ở chiều ngược lại, đông hơn, cho rằng, thầy đã tạo một luồng sinh khí mới vào môi trường học tập, cần nhận rộng.
Quán chiếu từ góc độ phản đối, có nghĩa là đồng tình với ý kiến cho rằng trò chơi này sẽ biến học sinh thành kẻ "lệ thuộc" vào tiền. Ở góc độ này, người ta chỉ nhận ra một phạm vi hẹp, tâm điểm là tiền tại lớp học mà không trông thấy những đồng tiền trong tương lai các em. Học là để dung nạp kiến thức cho tương lai. Mà tương lai thì các em cần sử dụng kiến thức để mưu sinh và để cống hiến cho xã hội. Xã hội sẽ dụng kiến thức đó biến thành giá trị vật chất, cụ thể là tiền. Trong xã hội, không ai cho không kiến thức và ai cũng cần nhận được 1 khoản tiền công để sinh tồn.
Quán chiếu từ góc độ đồng thuận, ủng hộ cách dạy của thầy Thanh, chúng ta sẽ tiếc rằng trò chơi kiến thức này không được các nhà giáo dục ở tầm vĩ mô biến thành một công thức chung trong các môn học, trong các tiết dạy. Thực trạng cho thấy, các em học sinh đang bị biến thành "khán giả" bất đắc dĩ trong nhiều tiết học nhàm chán. Ở đó, giáo viên giảng bài giống như "đọc" lại nguyên văn những gì có sẵn trong sách giáo khoa. Với cách dạy như thế, giáo viên chì nhận được những cái ngáp dài của học sinh thay cho thành quả tư duy. Nếu những tiết học lịch sử, văn học được thay bằng một buổi tập kịch mà nội dung vở diễn là chi tiết kiến thức cần truyền đạt, có lẽ học sinh sẽ mau thuộc và nhớ lâu hơn những lời "ru ngủ" của giáo viên.
Bởi thế, buổi học đầu năm của thầy Thanh không chỉ là một trò chơi nhỏ dành cho các học trò mà còn là món quà lì xì phương pháp dạy cho tất cả những nhà sư phạm.