Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành Du lịch các địa phương, nhất là tại Quảng Ninh, Hải Phòng, khiến hàng trăm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ phải nằm bờ phơi nắng mưa cả năm nay, trong khi các doanh nghiệp, chủ tàu vẫn phải đóng tiền bến bãi, bảo dưỡng, trả lương người lao động… và đứng trên bờ vực phá sản.
Triệu USD "rơi" xuống biển
Đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ lâu nay đã trở thành biểu tượng du lịch của hai tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng và từng đóng góp không nhỏ cho ngân sách các địa phương.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, khi bão dịch COVID-19 bùng phát, nhất là sau đợt dịch lần thứ 4 ập đến bất ngờ, ngành Du lịch biển “đóng băng”, toàn bộ khoảng 500 tàu du lịch từ 3-5 sao, trị giá từ 1 triệu đến vài triệu USD/chiếc hoạt động trên các vịnh “mắc cạn”. Hàng loạt khó khăn đang đổ lên đầu doanh nghiệp, chủ tàu, không ít trong số này đã phá sản, rao bán tàu, số đông cố gắng xoay xở, lay lắt duy trì chờ khôi phục và chính sách “giải cứu” từ các cơ quan chức năng.
Tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp không khói tại Quảng Ninh.
Ông Bùi Văn Chi, Giám đốc Công ty Những cánh buồm Phương Đông, trụ sở tại Hà Nội, doanh nghiệp có 6 tàu du lịch 3-5 sao phục vụ tham quan vịnh Hạ Long, Lan Hạ cho biết: Bình quân mỗi chiếc tàu đầu tư khoảng 30 tỷ, doanh nghiệp phải huy động vốn của nhiều cổ đông, vay vốn ngân hàng… nhưng hiện nay, gần 200 tỷ của doanh nghiệp đang “mắc cạn” nằm bờ, những chiếc tàu du lịch triệu đô có nguy cơ thành sắt vụn. Công ty đã cho nghỉ việc nhân viên cả năm nay, nhưng vẫn phải đóng tiền phí bến bãi, thuê bảo dưỡng… nếu không được hỗ trợ, công ty chắc chắn phá sản.
"Dịch COVID-19 đã càn quét hoạt động tàu du lịch, doanh nghiệp ngày ngày như ‘ngồi trên đống lửa’ nhìn tàu neo bất động. Nghĩ đến tiền tỷ đầu tư sắp đổ xuống biển, rồi tiền lãi suất ngân hàng, tiền hỗ trợ lương người lao động không biết lấy đâu… doanh nghiệp đang dần khánh kiệt", ông Bùi Văn Chi chia sẻ.
Câu chuyện của ông Bùi Văn Chi là tình cảnh hiện tại của tất cả các chủ tàu khách du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ. Qua tìm hiểu, tổng số tàu hoạt động dịch vụ đưa khách tham quan tại các vịnh hiện nay có hơn 500 tàu. Trong đó, hơn 300 tàu phục vụ khách theo giờ, số còn lại là tàu du lịch nghỉ đêm. Số tàu này không chỉ tạo việc làm cho hàng vạn lao động các địa phương, mà còn đóng vai trò quyết định khai thác bền vững cảnh quan vịnh và ngân sách cho ngành công nghiệp không khói tại các địa phương.
Trước những khó khăn chồng chất, cộng đồng các doanh nghiệp, chủ tàu du lịch tại Quảng Ninh, Hải Phòng đã nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương có cơ chế hỗ trợ và gần đây nhất, ngày 18/5, Hội Tàu Du lịch Hạ Long đã phải làm đơn gửi Thủ tướng Chính phủ "kêu cứu" những giải pháp hỗ trợ kịp thời để chờ khôi phục.
"Ngắc ngoải" chờ chính sách "giải cứu"
Hiện nay, chính sách hỗ trợ giãn nợ theo Thông tư 03 ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được áp dụng trong thời gian ngắn từ 3 đến 12 tháng. Trong khi, dịch bệnh kéo dài chưa có hồi kết, khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay, không có đủ thời gian khôi phục hoạt động để có tiền trả gốc và lãi vay. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ yêu cầu dồn các kỳ giãn nợ vào một kỳ cuối cũng gây khó cho doanh nghiệp, vì khi không đủ nguồn để trả tất cả nợ gốc, lãi, dễ dẫn tới nợ xấu.
Tàu "mắc cạn" nằm bờ khiến các doanh nghiệp, chủ tàu như "ngồi trên đống lửa".
Do đó, các doanh nghiệp, chủ tàu du lịch mong muốn Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động, vay ngắn hạn, bởi sau thời gian chống dịch, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh "sức cùng lực kiệt"; đồng thời, đề xuất được vay vốn lưu động để trả lương cho nhân công và duy trì bảo dưỡng tàu, vì khoản vay này hiện nay khó tiếp cận.
Trước lời "kêu cứu" của các doanh nghiệp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn tới ngành Du lịch các địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp "điêu đứng", nên các quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ trước phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong năm 2021 có thể khiến các doanh nghiệp không thực hiện được.
Vì vậy, đại diện các doanh nghiệp, chủ tàu du lịch kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn phù hợp với thực tế. Cụ thể là giảm lãi suất cho vay, mặt khác sau ngày 31/12/2021, các doanh nghiệp sẽ được gia hạn thời gian trả lãi, gốc, hợp đồng cho vay vốn. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, các ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp tiếp tục gia hạn thêm thời gian vay từ 2 năm trở lên để phục hồi sản xuất kinh doanh, có tích lũy và trả nợ ngân hàng.
Theo baotintuc.vn