Sự bùng nổ của công nghệ với các thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) làm gia tăng nguy cơ dữ liệu bị xâm phạm và khiến thách thức về an ninh mạng ngày càng cao hơn.
Tấn công mạng ngày càng tinh vi
Phát biểu tại phiên báo cáo chính của sự kiện Vietnam Security Summit 2021, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) nhận định, các thách thức về an ninh mạng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều hệ thống thông tin quan trọng của Việt Nam tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc. Những nhóm tội phạm này lợi dụng tình hình dịch diễn biến phức tạp tấn công mạng vào các cơ quan chức năng bằng cách gửi tài liệu giả mạo để phát tán mã độc hay tấn công có chủ đích APT.
Dẫn số liệu thực tế, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương cho biết trong nửa năm đầu 2021, cơ quan này đã phát hiện được 1.555 vụ tấn công vào trang/cổng thông tin điện tử có tên miền .vn, cụ thể là bị chèn thông điệp của tin tặc. Trong đó, 412 trang thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Cương lưu ý một số điểm khác biệt về xu hướng tấn công mạng trong năm 2021 so với trước là xuất hiện tình trạng địa chỉ IP của các khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước bị nhiễm mã độc. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công an đã phát hiện 2.551 vụ tấn công mạng, 5,4 triệu lượt địa chỉ IP của các cơ quan Nhà nước bị tấn công với 15 biến thể mã độc.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, trên không gian mạng, các thông tin giả, tin xấu độc liên tục được đăng tải và chia sẻ tràn lan. Trong quý I và II/2021 khi dịch có diễn biến phức tạp, Bộ Công an rà soát được 221.000 tin, bài chứa thông tin xấu, sai sự thật được đăng trên các trang thông tin điện tử, diễn đàn, blog. Cơ quan công an đã xử lý 328 trường hợp, khởi tố một trường hợp. Đáng chú ý, hệ lụy của những tin giả này lớn hơn nhiều khi chúng được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
Hoạt động của những đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội diễn ra phức tạp ở các địa phương. Đầu năm 2021 tội phạm mạng thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi như lập giả mạo website, trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp; thiết lập trạm BTS giả mạo để chặn, chuyển hướng thuê bao di động người dùng nhằm thu thập dữ liệu…
Tội phạm mạng cũng gia tăng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông Nguyễn Ngọc Cương cho hay, trong 6 tháng đầu năm nay xuất hiện tội phạm giả mạo tin nhắn của ngân hàng, tổ chức tín dụng để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin, đăng nhập mật khẩu, mã OTP nhằm chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng tỉ đồng.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Công an đã phối hợp với các địa phương khởi tố 16 vụ án; phối hợp với cơ quan điều tra các cấp khởi tố 20 vụ án, xử phạt vi phạm hành chính 150 đối tượng và triệu tập, răn đe hơn 300 người liên quan đến tội phạm công nghệ cao.
Các xu hướng tấn công mạng chủ yếu
Dự đoán về xu hướng tấn công mạng trong năm 2021 - 2022, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương cho rằng với việc phát triển công nghệ số thì những cuộc tấn công mạng tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng theo một số hình thức chủ yếu.
“Tin tặc gia tăng tấn công mạng có chủ đích, phát tán mã độc, ăn cắp dữ liệu nhằm vào các hệ thống thông tin quan trọng. Đây được xem là mối đe dọa hàng đầu hiện nay”, ông Cương nhận định.
Xu hướng tiếp theo là tấn công vào điện thoại di động, thiết bị IoT, mordem nhằm chiếm quyền điều khiển, thu thập dữ liệu.
Điện toán đám mây trở nên phổ biến hơn, nhưng sự thiếu hụt của các chuyên gia, giải pháp bảo mật ở lĩnh vực này cũng khiến mối đe dọa trên đám mây ngày càng gia tăng.
Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận định rằng sự bùng nổ công nghệ với các thiết bị thông minh, AI sẽ làm gia tăng nguy cơ dữ liệu bị xâm phạm.
Ngoài ra, người dùng phải đối mặt với các thông tin xấu, độc hại và những chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tiền ảo hay kinh doanh trái phép trên không gian mạng.
Link bài gốcCoppy
https://ictnews.vietnamnet.vn/bao-mat/thiet-bi-thong-minh-ai-lam-gia-tang-nguy-co-du-lieu-bi-xam-pham-396161.html