Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang hướng vào Việt Nam cho lĩnh vực vực sản xuất, đặc biệt là thương mại và dịch vụ ngày càng tăng tốc khắp mọi miền để chinh phục thị trường dân số trẻ với gần 100 triệu dân trong nước.
Trong tháng 4-2022 thị trường Việt Nam đã liên tục chứng kiến sự mở rộng kinh doanh của các nhà bán lẻ xứ hóa anh đào.
Ngày 29-4 vừa qua, MUJI, thương hiệu gia dụng nổi tiếng Nhật Bản, đã mở cửa khai trương cửa hàng thứ 3 tại Việt Nam đặt tại Hà Nội.
Với diện tích bán lẻ khoảng 1.700 m2, nằm trong Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Long Biên, cửa hàng MUJI Aeon Mall Long Biên cung cấp đa dạng các sản phẩm bao gồm thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, nội thất và phụ kiện. Ngoài ra, cửa hàng cũng có những dịch vụ đặc trưng của Muji như dịch vụ thêu, dịch vụ lên lai quần, Open MUJI, MUJI Yourself, tư vấn nội thất và tiệm cà phê.
MUJI hiện có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Chính thức mở kinh doanh ở thị trường Việt Nam vào năm 2020 với cửa hàng đầu tiên đặt tại TPHCM, thời điểm bắt đầu bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng MUJI vẫn tiếp tục đầu tư mở thêm 2 cửa hàng mới, đặt tại Hà Nội.
Thương hiệu bán lẻ thời trang Uniqlo vào ngày 22-4 vừa qua cũng đã cho khai trương cửa hàng quy mô lớn và ứng dụng số hóa hiện đại theo tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn tại Trung tâm thương mại (TTTM) Saigon Centre, quận 1, TPHCM. Đây là cửa hàng bán lẻ thứ 11 của mình với diện tích bán hàng lên đến hơn 3.000 m2.
Có thể nói trong năm qua thị trường bán lẻ trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 bùng phát nhưng các nhà bán lẻ Nhật Bản vẫn tin tưởng vào tiềm năng lâu dài ở Việt Nam để tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh.
Trong những tháng đầu năm 2022, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, nhận định kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục. Theo đó, hoạt động kinh doanh của AEON Việt Nam cũng cải thiện hơn khi số lượng khách hàng ghé trung tâm mua sắm tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước Covid-19. Ông cho biết thêm, tốc độ phục hồi trên không chậm hơn khi so với thị trường khác trong khu vực vì Việt Nam đã rất tích cực mở cửa và thúc đẩy nền kinh tế phát triển sau đỉnh dịch.
Dự kiến từ tháng 6 tới, kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ông phân tích, thời điểm này, Việt Nam đã mở cửa đón khách du lịch giúp nền kinh tế khởi sắc. Hưởng tác động gián tiếp, ngành bán lẻ sẽ có thêm nhiều lực đẩy tích cực. Với tốc độ tăng GDP được Chính phủ dự đoán vào khoảng 6-6,5% trong năm nay, AEON Việt Nam hy vọng sẽ lấy lại mức tăng trưởng của mình như trước Covid-19.
“2022 là một năm rất quan trọng và sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất gắt gao giữa các nhà bán lẻ. Những thay đổi của người tiêu dùng buộc ngành bán lẻ phải có những thay đổi để đáp ứng và phát triển. Đó mới là vấn đề quan trọng”, ông Furusawa nhấn mạnh. Do đó, từ phía Tập đoàn AEON và AEON Việt Nam cũng đã đề nhiều định hướng và kế hoạch.
Trung tâm mua sắm AEON Mall luôn thu hút đông lượng khách đến tham quan – mua sắm.
Hàng loạt thương hiệu bán lẻ khác của Nhật Bản như Ministop, FamilyMart, 7-Eleven,… vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay là yếu tố về sức hấp dẫn về quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.