Đối với tôi, đến nay đã có trên 15 năm gắn bó liên tục với hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp (kể cả tư vấn trực tuyến), tôi thường gặp nhiều câu hỏi hay, thú vị và cả những câu hỏi khó của học sinh, phụ huynh với mong muốn phải vào trường Đại học… Trong bài viết này, tôi xin nêu ra đặc trưng vài câu hỏi hay và những ý kiến trả lời như sau:
1. Có học sinh hỏi rằng, em được hướng dẫn nhiều về cách chọn ngành nghề và chọn học Đại học là sẽ như thế nào, nhưng chính em không nhận thấy mình có năng lực, không có sở thích, không có ước mơ gì cả… Hoặc có học sinh cho rằng, gia đình em quá giàu rồi nên có ý kiến là em muốn học, muốn làm nghề gì cũng được, vậy theo thầy là nhà tư vấn thông tin thị trường nhân lực có kinh nghiệm, thấy em thích hợp ngành nghề nào của hệ Đại học ạ?
Tôi đã trả lời vấn đề quan trọng nhất của nghề nghiệp tương lai là: Phải chọn nghề phù hợp với khả năng bản thân, với thị trường lao động, để phát triển theo xu thế hội nhập và tiến đến CMCN 4.0, muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động. Vì vậy, mỗi người phải chọn nghề, bậc học, chương trình học và trường đào tạo phù hợp cho chính mình. Các em phải tự tin và quyết tâm học thật tốt. Quan trọng nhất tạo được giá trị hành nghề là điều kiện thuận lợi để đến với thành công, yếu tố gia đình có điều kiện thì càng cần thiết hơn.
Tôi cũng từng khẳng định rằng, mỗi người có cá tính, sở thích, đam mê và khả năng khác nhau thì sự kỳ vọng vào tương lai sẽ khác nhau... nên việc chọn con đường tiến thân sẽ không giống nhau, vì vậy mỗi em học sinh phải dành thời gian làm tốt cách chọn nghề, chọn ngành học, chọn trường để thật sự khi qua đào tạo có đủ năng lực phù hợp hành nghề, các em sẽ tự tin bước vào thị trường lao động.
2. Cũng có những em là học sinh giỏi, ba mẹ mong muốn phải học trường Đại học công lập, vì giá trị bằng cấp cao, học phí thấp, và khi ra trường chắc chắn sẽ có việc làm... Nhưng ngành các em chọn thì lại phù hợp với uy tín đào tạo của 1 trường tư thục, mà em thì rất thích trường này. Vậy em phải làm sao? Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh cũng hỏi những ý hay như thế...
Tôi đả trả lời: Trường Đại học công lập hay trường Đại học ngoài công lập (tư thục) đều phải được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể thành lập và tổ chức giảng dạy. Bằng cấp do các trường Đại học cấp đều là bằng Đại học chính quy.
Theo quy định quản lý, thống nhất bằng Đại học chính là một loại văn bằng chứng minh về trình độ chuyên môn của người học về ngành nghề đã qua quá trình đào tạo, bằng cấp do trường trường Đại học công lập hay trường Đại học tư thục cấp đều không ảnh hưởng tới quá trình xin việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Vấn đề là cách đánh giá toàn diện về ngôi trường Đại học cần chọn học và giá trị nghề nghiệp sau khi qua đào tạo là quyết định, vì vậy nếu muốn học trường nào thì các em cần bình tỉnh trình bày với cha mẹ thật rỏ ràng và cụ thể.
Như vậy, học sinh khi chọn học hệ Đại học nên bắt đầu với việc tìm hiểu rõ bản thân mình muốn gì, sau đó liên hệ tìm hiểu những điều đó với một ngành nghề cụ thể, bước cuối cùng thì mới nên chọn trường Đại học phù hợp nào, để giúp bản thân tiếp cận với ngành nghề đó.
Chính vì thế, khi chọn nghề, để lựa chọn tối ưu nhất, học sinh và phụ huynh cần chọn được điểm giao thoa giữa các điều kiện về năng lực bản thân (thích gì, muốn gì, sở trường...), điều kiện về gia đình, địa lý, môi trường và nhu cầu xã hội.
Thị trường lao động hiện nay và những năm tới đây sẽ mở ra 05 xu hướng việc làm phù hợp với mọi trình độ, năng lực, đó là: Cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh/thành, khu vực kinh tế quốc gia; khởi sự kinh doanh - tự tạo việc làm; khởi nghiệp và xuất khẩu lao động.
Chính vì vậy, để đáp ứng được các điều kiện và yêu cầu lao động ở bất kỳ xu hướng nào, thì bản thân mỗi học sinh, sinh viên cần phải phấn đấu học tập, rèn luyện liên tục, nhanh và đủ... Chỉ khi giỏi nghề để phù hợp những điều kiện thực tế, thì mới có thể hiện thực hóa được những ước mơ, hoài bão và thu nhập cao cho chính mình.
Trần Anh Tuấn - Chuyên gia Dự báo nhân lực
Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực