Chiến lược của Việt Nam là đặt mục tiêu tăng 50% số lượng nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Mỹ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam vào năm 2030.
Giải pháp để thu hút được những tập đoàn lớn và nhà đầu tư nước ngoài vào là Việt Nam kiến tạo môi trường công bằng, thông thoáng và minh bạch.
Đây là một trong những mục tiêu trong Quyết định số 667/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký phê duyệt về Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) giai đoạn 2021 – 2030 vào tuần rồi (2-6).
Ngoài ra, chiến lược còn đưa ra mục tiêu là nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ cần được đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, bao gồm khu vực châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines. Với khu vực châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; và châu Mỹ là Mỹ.
Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 đưa ra 9 giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài nhằm kiến tạo môi trường công bằng, thông thoáng và minh bạch.
Chiến lược này gồm triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc đổi mới và nâng cao cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng được nêu trong giải pháp. Mục tiêu này là sẽ xây dựng chính sách thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; từng bước chuyển từ thu hút FDI phù hợp với nhóm sản phẩm hiện có trong nước sang đón đầu và xây dựng cơ chế, chính sách để nâng cao khả năng thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm ưu tiên trong từng giai đoạn. Xây dựng thể chế, chính sách cho khu kinh tế, khu công nghiệp, công nghệ cao… đảm bảo tính liên kết, đồng bộ.
Chính sách ưu đãi đầu tư sẽ được xem xét, căn cứ vào kết quả đầu ra như giá trị gia tăng, hợp phần sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cấp độ trong chuỗi cung ứng.
Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, lan toả cũng đặt ra trong chiến lược này.