Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch ước đạt 100,7 tỉ đô la Mỹ. Và nền kinh tế gần 100 triệu dân đã nhập siêu đến 53,7 tỉ đô la từ đất nước đông dân nhất thế giới.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập hàng hóa cả nước trong tháng này ước đạt 58,27 tỉ đô la.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 30,27 tỉ đô la, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 28 tỉ đô la, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 2,27 tỉ đô la.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 616,24 tỉ đô la. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 312,82 tỉ đô la, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch nhập khẩu đạt 303,42 tỉ đô la, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính ra, Việt Nam xuất siêu khoảng 9,4 tỉ đô la trong 10 tháng (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỉ đô la). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỉ đô la; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỉ đô la.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng qua của Việt Nam là nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%. Ở chiều ngược lại cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam là nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,1%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỉ đô la. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỉ đô la.
Trong cùng thời gian trên, xuất siêu sang EU ước đạt 26,7 tỉ đô la, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 53,7 tỉ đô la, tăng 18,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 32,1 tỉ đô la, tăng 17,9%; nhập siêu từ ASEAN 10,1 tỉ đô la, tăng 0,8%.