Ngày 11-8, Triển lãm Quốc tế Thực phẩm và Đồ uống Việt nam – Công nghệ thiết bị chế biến, bao bì đóng gói Thực phẩm và Đồ uống (Vietfood & Beverage – Propack HCM City) chính thức được khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh.
Đây là Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đông đảo các đơn vị, doanh nghiệp và nhà triển lãm trong và ngoài nước.
Trải qua 25 năm liên tiếp thành công, Triển lãm chuyên ngành F&B này đã ghi nhận những bước tăng trưởng đáng kể của các doanh nghiệp tham gia. Ngành F&B và ProPack (máy móc, bao bì, đóng gói, dây chuyền sản xuất) là những mắt xích quan trọng và đồng bộ để cấu thành sản phẩm, song song với nguồn nguyên liệu sẵn sàng từ thị trường Việt Nam, hệ thống vận hành, trung gian (logistic) đang dần chuyển mình mạnh mẽ đáp ứng các khâu vận hành trơn tru hơn.
Đáng chú ý, dù tình hình đi lại giữa các nước còn nhiều hạn chế do dịch bệnh và ảnh hưởng căng thẳng chiến sự trên thế giới nhưng quy mô trưng bày ngành ProPack tại triển lãm năm 2022 này vẫn tương đương so với Triển lãm của năm 2019.
Cụ thể Vietfood Beverage - Propack 2022 có quy mô trưng bày 400 gian hàng với hơn 5.000 nhãn hiệu của 350 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vũng lãnh thổ tham gia.
Điều này cho thấy sức hút của Triển lãm uy tín chuyên ngành F&B được tổ chức gần 3 thập kỷ cũng như tiềm năng rất lớn của thị trường F&B với gần 100 triệu dân ở Việt Nam cũng như cơ hội xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với thuế suất ưu đãi nhờ Việt Nam hội nhập sâu rộng với nhiều nước và khu vực thông qua các Hiệp định FTA đã có hiệu lực.
Các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Ba Lan, Ấn Độ,… tham gia triển lãm giới thiệu những sản phẩm chất lượng và an toàn cao cùng công nghệ hiện đại.
Chuỗi sự kiện này quy tụ đồng thời 2 chuyên ngành có thế mạnh lớn là Thực Phẩm – Đồ uống, bao gồm 5 lĩnh vực trưng bày (Thực phẩm; Nông-Thổ-Thủy-Hải sản; Đồ uống; Thực phảm dinh dưỡng – Thực phẩm thuốc; Nguyên liệu – Phụ gia thực phẩm); Máy móc thiết bị sản xuất – Đóng gói – Bảo quản thực phẩm; Nhượng quyền thương hiệu.
Bên cạnh lĩnh vực Thực phẩm chế biến và Đồ uống, triển lãm năm nay còn thu hút sự tham gia của nhiều công ty trưng bày và giới thiệu các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chế biến, bao bì đóng gói, nhãn mác thực phẩm và đồ uống.
Bên cạnh đó là một loạt các hoạt động bên lề được phối hợp với các Hiệp hội (Hiệp hội bán lẻ Việt nam (AVR); Hiệp hội lương thực thực phẩm Tp. HCM (FFA); Hiệp hội Bia rượu nước giải khát (VBA); Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. HCM (HUBA).
Theo đánh giá từ Collier vào tháng 3 vừa qua, Việt Nam là điểm đến đầu tư sáng giá cho ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) nếu so với với các nước láng giềng Đông Nam Á. Việt Nam có dân số trẻ, năng động, thông minh, thích ứng nhanh, đang gia tăng và ước tính đạt 105 triệu người vào năm 2030.
Các nghiên cứu thị trường của Colliers cũng chỉ ra rằng, hiện nhiều nhà phát triển lớn đang cân nhắc yếu tố F&B vì đây là một trong những mảng bán lẻ thành công nhất ở Việt Nam. Cùng với những thay đổi nhanh chóng trong hành vi mua sắm và cách chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch là sự phát triển chóng mặt của ngành thương mại điện tử và nhu cầu gia tăng về trải nghiệm đa kênh liền mạch, nhất quán.
Trên thực tế chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống Việt Nam trong những năm qua, năm sau luôn tăng cao khá cao hơn so với năm trước đó.
Và theo khảo sát của Vietnam Report, sau 2 năm chật vật vì Covid-19, quý I/2022, doanh nghiệp F&B mới thực sự hồi phục trở lại. Ngành F&B được đánh giá đang phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022 và những năm tiếp theo.
Dự báo, ngành F&B sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa nhờ 2 nguyên nhân: Một là, nhiều tỉnh thành khống chế thành công dịch bệnh và tâm lý người dân ổn định sau thời gian dài giãn cách nên họ đã mạnh dạn đi ăn ngoài hơn trước. Hai là, nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ, ngành du lịch đã bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Theo Tổng cục Du lịch, đến nay, ước tính 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ 60,8 triệu lượt khách nội địa, gấp gần 1,4 lần cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Kéo theo đó, F&B – một trong những ngành đầu tiên hưởng lợi nhờ du lịch cũng nhanh chóng nhộn nhịp trở lại.
Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, từ 10-12% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.