Ngày 12-3, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng thực vật trong và ngoài nước, cùng trao đổi, tìm hiểu và khám phá các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh từ thực vật nhằm nâng cao sức khỏe và đời sống của người Việt tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Dinh dưỡng Thực vật và Giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21” ở TPHCM.
Các báo cáo trong hội thảo do Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) và Viện Dinh dưỡng Quốc gia đồng tổ chức cung cấp những góc nhìn mới, chuyên sâu về tác động tích cực và bền vững của xu hướng dinh dưỡng thực vật đến việc bảo vệ môi trường hành tinh.
Đây là hoạt động quy mô quốc tế được Vinasoy tổ chức thường kỳ nhằm cập nhật những kết quả nghiên cứu mới, thể hiện tinh thần tiên phong, trách nhiệm nâng cao ý thức cộng đồng về dinh dưỡng bền vững dựa trên nền tảng tầm nhìn và sứ mệnh mới của doanh nghiệp hướng đến vị thế chuyên gia dinh dưỡng thực vật.
Không chỉ dừng lại ở thông tin khoa học, Vinasoy tiếp tục chung tay với các chuyên gia toàn cầu để phổ biến kiến thức về dinh dưỡng thực vật, dinh dưỡng đậu nành hướng đến lối sống khoẻ, lành, mạnh thông qua chiến dịch “Thêm đạm thực vật để khoẻ thật”.
Hội thảo chia sẻ, cập nhật những kết quả nghiên cứu chuyên sâu mới nhất về dinh dưỡng thực vật, dinh dưỡng đậu nành và đạm thực vật, những lợi ích của dinh dưỡng thực vật đối với sức khỏe con người và bền vững với môi trường. Những thông tin khoa học này không chỉ mang lại lợi ích cho quá trình nghiên cứu, canh tác, phát triển và chế biến sản phẩm mà còn tác động đến tiêu dùng.
Hội thảo khoa học có sự góp mặt các chuyên gia quốc tế hàng đầu đến từ các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu uy tín trên thế giới như Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Viện Dinh dưỡng Đậu nành toàn cầu (Hoa Kỳ), Công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu trong khu vực - Kantar Singapore và Viện Dinh Dưỡng Quốc gia Việt Nam.
Đại diện VSAC, Tiến sĩ Lê Hoàng Duy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC), chia sẻ: "Đây là hoạt động mang tính chiến lược của Vinasoy khẳng định vị trí tiên phong trong ngành dinh dưỡng thực vật. Không chỉ hiện thực hoá cam kết và sứ mệnh mới của chuyên gia dinh dưỡng thực vật, chúng tôi mong muốn thực hiện trách nhiệm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng lành mạnh, bền vững cho cộng đồng. Do đó, bên cạnh kì vọng cập nhật thông tin khoa học mới đến với giới chuyên môn, Vinasoy mong muốn mang đến những kiến thức về dinh dưỡng thực vật, dinh dưỡng đậu nành gần gũi hơn với người tiêu dùng Việt, để mỗi gia đình đều có thể chủ động tìm hiểu, ứng dụng vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày".
Dinh dưỡng thực vật nói chung và dinh dưỡng đậu nành nói riêng – Xu hướng tất yếu mang lại tác động lâu dài và bền vững với sức khoẻ và môi trường
Các tham luận và báo cáo của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế đã cập nhật những xu hướng mới nhất và tầm quan trọng, lợi ích của dinh dưỡng thực vật đến với sức khoẻ con người và môi trường trong thế kỷ 21. Năm phần nội dung chuyên sâu và hữu ích đã được trình bày tại Hội thảo, bao gồm:
• Tương lai thực phẩm từ thực vật tại Châu Á - trình bày bởi Bà Trezelene Chan - Giám đốc Phát triển Bền vững, Châu Á Thái Bình Dương, Khối thực hành chuyển đổi bền vững, Kantar Singapore.
- Lợi ích của dinh dưỡng từ thực vật với sức khoẻ con người trình bày bởi Tiến sĩ Andrea Glenn - Khoa Dinh Dưỡng, Đại học Harvard, Boston, MA, Hoa Kỳ.
- Thực phẩm từ đậu nành và những lợi ích với sức khoẻ con người ở mọi độ tuổi trình bày bởi Tiến sĩ Mark Messina - Giám đốc Nghiên cứu Dinh dưỡng Đậu nành, Viện Dinh dưỡng Đậu nành toàn cầu, Hoa Kỳ.
- Những bệnh MTKL tại Việt Nam và mối tương quan với chế độ dinh dưỡng không hợp lý trình bày bởi Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp - Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
- Một số giải pháp cải thiện chế độ ăn lành mạnh và tình trạng dinh dưỡng cho người Việt trình bày bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Có nhiều tác động chủ quan và khách quan đang thúc đẩy sự phát triển ngành hàng thực phẩm từ thực vật. Kết quả nghiên cứu từ Kantar Singapore cho thấy đại dịch đã khiến nhiều người tiêu dùng chủ động đưa thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn uống hằng ngày, đặc biệt là người tiêu dùng Việt: 83% người Việt đang tìm kiếm giải pháp mới tăng cường hệ miễn dịch và 82% người Việt đang nỗ lực cải thiện sức khoẻ của bản thân.
Trong đó, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang rất hấp dẫn người tiêu dùng trẻ tuổi, ở đô thị và người có thu nhập khá. Năm 2022 ghi nhận tích cực 2 trên 3 người dùng thuộc Gen Z và Millennial Việt Nam đã cố gắng đưa đạm từ thực vật vào chế độ ăn uống của họ.
Xu hướng quan tâm đến dinh dưỡng thực vật đang phát triển tích cực, nhưng cần được thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nữa. Bởi lẽ, xu hướng này được các chuyên gia nhận định là giải pháp tối ưu cho nhiều bài toán về tình trạng gia tăng của các bệnh MTKL lẫn về môi trường.
Cụ thể, trong năm 2016, Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng đưa ra Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) cho người Việt là 35% RDA đạm động vật/đạm tổng số. Tuy nhiên đến năm 2020, lượng tiêu thụ thịt vượt mức khuyến nghị với 136,4g/người/ngày, đạt 48% RDA đạm động vật/đạm tổng số. Đáng chú ý, trong 136,4g thịt mà người Việt tiêu thụ, lượng thịt đỏ chiếm đến 95,5g. Trong khi đó, lượng tiêu thụ rau chỉ đạt 74% mức khuyến nghị với 218,0 g/người/ngày cùng năm. Đây có thể là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây trong các thập kỷ qua.
Theo nghiên cứu, tiêu thụ thịt đỏ vượt mức khuyến cáo có thể gây dư thừa sắt và thúc đẩy phản ứng của gốc tự do gây hại và stress oxy hóa. Các gốc tự do phá huỷ màng tế bào khiến chất dinh dưỡng thất thoát, tế bào không tăng trưởng, rồi tự đào thải.
Chúng gây ra nhiều hậu quả về mặt sức khoẻ như suy giảm thị lực, mù lòa, tổn thương thoái hóa tế bào thần kinh, đẩy nhanh quá trình lão hóa, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, rối loạn chức năng gan thận, suy giảm hệ thống miễn dịch…
Trong khi đó, chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C, Beta-caroten, isoflavon, polyphenol… có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chúng có thể trung hòa, ức chế sự hình thành hoặc tăng đào thải các gốc tự do và bảo vệ con người chống lại quá trình lão hóa. Tuy nhiên cơ thể lại không thể tự tổng hợp được các chất chống oxy hoá này mà phải được cung cấp từ bên ngoài.
Do đó, các chia sẻ trong Hội thảo khoa học kêu gọi người Việt cân đối khẩu phần ăn hằng ngày, giảm mức tiêu thụ thịt và tăng tiêu thụ thực phầm có nguồn gốc từ thực vật để đạt mức độ khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia. Việc giữ chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý này sẽ giúp hạn chế thành phần không có lợi cho sức khỏe đưa vào cơ thể, đồng thời tăng các chất dinh dưỡng có lợi để giảm các nguy cơ gây bệnh MTKL. Các khuyến cáo chính thức được công bố rộng rãi như:
Sử dụng cân đối đạm thực vật và đạm động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày, người trưởng thành nên sử dụng nhiều đạm thực vật hơn đạm động vật để bảo vệ sức khoẻ. Mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 100 gam đậu, đỗ, hạt mỗi ngày.
(Khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia)
Tiêu dùng 25 gam protein đậu nành mỗi ngày, như một phần của chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
(Khuyến cáo của Cục Quản Lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ)
Ngoài giá trị về dinh dưỡng nói trên, các thực phẩm dinh dưỡng thực vật nói chung và dinh dưỡng đậu nành nói riêng còn được người tiêu dùng cấp tiến, đặc biệt người trẻ đón nhận vì hoạt động tiêu dùng các sản phẩm này có khả năng giảm thiểu tác động của ngành chăn nuôi và trồng trọt đến môi trường, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái. Theo nghiên cứu, so với thực thẩm từ động vật, đậu nành cung cấp nhiều đạm hơn trên mỗi đơn vị khí thải nhà kính.
Số liệu từ Kantar Singapore trong hội thảo ghi nhận 75% người dùng Việt nói chung bày tỏ ý định chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tích cực đến môi trường. Đồng thời, 92% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng sống theo cách thân thiện với môi trường hơn có thể cải thiện sức khỏe của họ vào năm 2022 (so với APAC: 78%).
Những dấu hiệu tích cực về hành vi và thái độ nói trên đã thúc đẩy sự sáng tạo của nhiều công ty trong nghiên cứu và sản xuất. Dự báo trong tương lai, các thực phẩm có nền tảng dinh dưỡng thực vật sẽ được đón nhận hơn nữa, giá trị ngành hàng tại thị trường Việt Nam có thể đạt giá trị 249 triệu đô vào năm 2027 trong cùng nội dung được chia sẻ bởi Kantar.