Bệnh viện FV đã tổ chức Hội đồng chuyên môn, để đánh giá về quá trình điều trị cho mẹ con bà Hoàng Ánh Hậu (ngụ Quận 7, TP. HCM) và khẳng định “không sai sót chuyên môn”.
Như báo chí đã thông tin, bà Hoàng Ánh Hậu (ngụ quận 7, TP. HCM) tố bệnh viện FV tắc trách dẫn đến việc sản phụ bị băng huyết trước và trong quá trình sinh con. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn cấp cứu chậm trễ, kê sai đơn thuốc làm con trai của sản phụ bị trở nặng.
Mới đây, Bệnh viện FV đã chính thức có Thông cáo báo chí về vụ việc, đồng thời tổ chức Hội đồng chuyên môn để đánh giá về quá trình điều trị cho mẹ con bà Hậu. Bệnh viện khẳng định không có sai sót chuyên môn.
Theo Báo Phụ nữ TP, cuộc họp Hội đồng chuyên môn diễn ra tại bệnh viện FV kết luận: Bệnh viện FV và bác sĩ Võ Triệu Đạt (BS trực tiếp chịu trách nhiệm đỡ sinh cho sản phụ Hậu – PV) không vi phạm quy định khám chữa bệnh, không có sai sót chuyên môn. Việc chỉ định khởi phát chuyển dạ theo yêu cầu của bệnh nhân ở tuần thai 39 là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. BS Võ Triệu Đạt đã chỉ định mổ lấy thai kịp thời. Bệnh viện FV đã chẩn đoán kịp thời băng huyết sau sinh và xử trí phù hợp để cứu chữa cho bệnh nhân.
Việc băng huyết sau sinh do cổ tử cung bị đờ (tử cung người mẹ không thể co hồi lại) là một biến chứng sản khoa có thể xảy ra sau khi em bé ra đời và gây băng huyết. Bà Hậu rơi vào trường hợp tương tự.
Tuy nhiên, qua theo dõi vụ việc dư luận xã hội cho rằng, sản phụ Hậu sau khi được đặt thuốc giục sinh đã thấy ra máu nhiều, liên tục gọi hộ sinh kiểm tra. Nhưng phải hơn 5 tiếng đồng hồ sau đó, từ lúc sản phụ thấy máu ra nhiều, thì bác sĩ Võ Triệu Đạt mới xuất hiện khám cho sản phụ, phát hiện tình hình nguy cấp, tim thai giảm, quyết định đi mổ cấp cứu bắt con.
Như vậy, việc thăm khám chuẩn đoán có quá chậm trễ, khiến nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con sản phụ không? Rõ ràng ở đây, ca trực quá thờ ơ tất trách với sản phụ, thể hiện rõ khả năng trình độ chuyên môn của hộ sinh, y bác sĩ tại bệnh viện.
Mặt khác, việc tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn vừa qua của bệnh viện FV thực tế chỉ là quy trình để bệnh viện báo cáo Sở Y tế TP.HCM, hoàn toàn không phải là một buổi họp Hội đồng chuyên môn theo đúng quy trình do Sở Y tế tổ chức với đầy đủ các thành phần tham gia, nhằm đưa ra kết luận cuối cùng chính xác, khách quan.
Về vấn đề này, trao đổi với báo Kinh tế & Đô Thị, bác sĩ Đỗ Trọng Khanh - Giám Đốc Y khoa (Bệnh viện FV) cho rằng, việc lập hội đồng chuyên môn được quy định tại Điều 74 trong Luật Khám Chữa Bệnh. Theo đó, thành lập Hội đồng chuyên môn là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Biên bản và kết luận của Hội đồng sẽ là căn cứ báo cáo quá trình giải quyết khiếu nại phàn nàn đến các cơ quan quản lý như Sở Y tế TP. HCM và Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của bà Hậu, khi bà mang con trai 7 tháng tuổi vào Bệnh viện FV trị bỏng, tay bé chỉ bị ửng đỏ. Tuy nhiên, sau khi bị nhúng vào dung dịch Natrichloride isotonic 0.9% da tay của bé bắt đầu bị bong tróc, gây đau đớn, các ngón tay không thể duỗi thẳng, và phải tập vật lý trị liệu. Vậy việc nhúng tay bé đang bỏng vào bằng dung dịch Natrichloride isotonic 0.9% có phải là nguyên nhân khiến bé bị nặng hơn không? Đồng thời, bác sĩ Diệu đã kê đơn cho bé uống Alphachymotrypsin 25đv/tab, 1 viên x 2 lần/ ngày có sai phạm không vì liều dùng ở trẻ em trong việc sử dụng thuốc Alpha chymotrypsin chưa được nghiên cứu và quyết định.
Về vấn đề trên, trả lời báo chí, Bs Đỗ Trọng Khanh cho rằng: bác sĩ Diệu đã kê đơn Alphachymotrypsin 25đv/tab, 1 viên x 2 lần/ngày. Đây là liều dùng hoàn toàn không gây hại cho bé. Việc này cũng được các chuyên gia Nhi tại cuộc họp Hội Đồng chuyên môn khẳng định. Liều dùng Chymotrypsine cho trẻ sẽ được quyết định bởi bác sĩ Nhi khoa khi kê toa. Theo thông tin tham khảo từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng TP, liều dùng Chymotrypsine cho trẻ nhỏ là 1v x 2- 3 lần/ngày là liều an toàn.
Đồng thời, BS Khanh khẳng định: thuốc được kê cho con của bà Hậu đã được Hội Đồng chuyên môn thẩm định là hoàn toàn phù hợp với bệnh và không có sai sót chuyên môn. Việc kê thuốc uống cho trẻ em khi cấp cứu tại FV, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi phải được bác sĩ chuyên khoa Nhi thực hiện, toa thuốc sẽ được dược sĩ lâm sàng kiểm tra lần cuối trước khi phát thuốc cho bệnh nhân. Thuốc kháng viêm có tác dụng mạnh hơn bao gồm kháng viêm non-steroid (Ibuprofen) hoặc Corticoid. Tuy nhiên, tác dụng phụ các loại thuốc này rất nhiều. Các bác sĩ Nhi tại Bệnh viện FV hạn chế sử dụng ngoại trú cho trẻ dưới 2 tuổi khi chưa thực sự cần thiết.
Ngoài ra, theo BS Khanh thì, việc làm sạch vết bỏng và vết thương bằng Nước muối sinh lý là cần thiết để loại bỏ các chất bẩn trên bề mặt trước khi các bước điều trị tiếp theo. Việc rửa bằng nước muối đẳng trương (sinh lý) hoàn toàn không gây ra bong tróc và các biến chứng.
Hiện cơ quan chức năng, Thanh tra Sở y tế đang tiến hành xác minh vụ việc, yêu cầu Bệnh viện FV báo cáo vụ việc, kết quả về cuộc họp Hội đồng chuyên môn của bệnh viện, cách xử lý của bệnh viện về vụ việc này. Trong trường hợp cần thiết sẽ lập hội đồng chuyên môn cao hơn là cấp Bộ Y tế để xem xét.