Sở thích – nếu nói đúng như tên gọi là những việc mà mình cảm thấy thích thú khi thực hiện nó, vì đem lại sự thoải mái, dễ chịu, vui vẻ, và hạnh phúc cho chúng ta.
Còn Đam mê – là phạm vi trừu tượng hơn, hay nói cách khác nó chính là một điều gì đó “mãnh liệt” hơn rất nhiều so với sở thích. Không chỉ thích làm, mà luôn luôn thích làm, làm một cách hăng say, hứng thú và chẳng thể nào ngừng thực hiện. Khi không được làm điều đó, sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, thôi thúc, nhớ nhung... Và dù biết sẽ phải đương đầu với thật nhiều khó khăn, trắc trở nhưng vẫn không cảm thấy sợ hãi mà chùn bước, vẫn lựa chọn “điều mình thích”.
Thật vậy, đam mê nghề nghiệp cũng thế, nó là giao hòa của 3 điều kiện, làm việc mà bạn giỏi nhất, cảm thấy được công nhận và tin rằng công việc đó sẽ làm cuộc sống mọi người tốt hơn.
Nói tóm lại, sở thích và đam mê là hai khái niệm tách rời, là “người trong cuộc” nên đôi khi nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, vì vậy cần tỉnh táo nhìn nhận được đâu là ngọn lửa đam mê mà mình sẵn sàng theo đuổi, nên nghiên cứu sâu rộng về các nghề nghiệp liên quan để lựa chọn được tốt nhất.
Công cuộc chuyển đổi số đang trở thành bắt buộc đối với tất cả mọi ngành nghề, nhằm thích ứng với cuộc sống trong thời đại mới. Thực tế, các cuộc cách mạng công nghiệp có thể làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều nghề mới. Đó là bài toán cấp bách trong thời điểm hiện nay bởi CMCN 4.0 mang điều kiện mới, thách thức mới và cơ hội mới… nhưng cũng sẽ đóng vai trò đào thải những ngành nghề tụt hậu, không bắt kịp xu hướng và khó đáp ứng nhu cầu của xã hội.
CMCN 4.0 trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Vì khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, thì người lao động sẽ bị dư thừa, điều này làm tăng thêm tính trầm trọng về khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động.
Trong khi sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn, thì tốc độ thay đổi cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn hơn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động. Khi đó, người lao động tại các nhà máy trong thời kỳ “hiện đại hóa” sẽ có những việc làm mới với các yêu cầu khác nhau và trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp cao hơn.
Hơn nữa, xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng yêu cầu người lao động có những kỹ năng chuyên sâu mang tính toàn cầu hơn. Cụ thể, để cạnh tranh trong thời đại mới, người lao động cần sử dụng được nhiều hơn một ngôn ngữ, những kỹ năng phù hợp thực tế cũng cần được phát triển, để người lao động có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia với các đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Vấn đề là phải dựa trên nền tảng chuyển đổi số như hiện nay để đào tạo cho người lao động ngày càng trở nên phù hợp hơn, tiếp cận nhanh hơn, dễ dàng hơn, khả năng thích ứng cao hơn với xã hội trong thời đại công nghệ số. Đồng thời, sẽ tạo ra nguồn nhân sự có kỹ năng và tay nghề tốt hơn, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư khi chuyển giao công nghệ và xây dựng các công xưởng sản xuất mới.
Nên vậy, các bạn trẻ hãy học những gì mà xã hội cần và phù hợp với nhu cầu, điều kiện, năng lực cũng như sở thích của chính mình.
Trần Anh Tuấn
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế