Các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ do số lượng khu công nghiệp lớn còn ít, thiếu hạ tầng, thiếu các dịch vụ hiện đại và một số nguyên nhân khác.
Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức vào ngày 9-6.
Căn cứ số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy hiện cả nước đã có 335 khu công nghiệp (KCN) và 17 Khu kinh tế (KKT) được thành lập, thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng các KCN Việt Nam vẫn chưa thu hút được những “đại gia” lớn trên thế giới, nhất là các tập đoàn đến từ châu Âu.
“Đến nay, đầu tư vào các KCN-KKT Việt Nam chủ yếu là từ các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu và Bắc Mỹ”, ông Võ nói.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, các KCN lớn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu – Mỹ. “Chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN”, ông Võ lưu ý.
Mặt khác, sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các KCN không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lấy ví dụ KCN SHXIP ở Thượng Hải (Trung Quốc) so sánh, ông Võ cho biết KCN này thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới và 50% nhà đầu tư đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Bởi vì KCN này có vị trí kết nối quốc tế (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt,…), 26 trường Đại học, có 3 trường phổ thông trung học quốc tế, có 3 khách sạn quốc tế hạng sang, có 1,2 km2 để phát triển mạng lưới dịch vụ logistics, hệ thống giao thông kết nối hiện đại.
Ví dụ về khu đô thị SHXIP ở Thượng Hải cũng chính là những kiến nghị của ông Võ về cách thức phát triển KCN ở Việt Nam.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng việc phát triển KCN-KKT còn gặp nhiều hạn chế, các nhà đầu tư chưa được trợ giúp nhiều trong việc hướng dẫn quy trình để hưởng những chế độ ưu đãi đầu tư, kinh doanh. KCN-KKT được quy hoạch khá dàn trải, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư.
Theo ông Lộc, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng đầu tư vào Việt Nam hơn trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trước chuyển biến của dịch bệnh, địa chính trị. Để giữ chân nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư mới trong tương lai, theo ông Lộc, ban quản lý KCN cần rà soát, xem xét các vướng mắc để tháo gỡ cho nhà đầu tư. Cần có nhiều cải cách về thể chế, giải pháp nâng cấp dịch vụ trong KCN tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tận dụng “cơ hội vàng” trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định vị lại.
Tại hội thảo, các nhà phát triển hạ tầng KCN như ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc phát triển doanh nghiệp của Công ty cổ phần Long Hậu, cũng lưu ý các nhà đầu tư khi thực hiện lộ trình đầu tư vào KCN, KCX gồm địa điểm đầu tư, về logistics, thời gian và giá thuê.
Bên cạnh các yếu tố về thị trường, khung pháp lý liên quan đến bất động sản công nghiệp là một trong những vấn đề luôn được các nhà đầu tư quan tâm trước khi quyết định đầu tư vào KCN, KCX. LS. Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên của VIAC, đã nêu những câu chuyện pháp lý và phòng ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình đầu tư vào KCN, KCX.