Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã ký ban hành Thông tư về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ GD&ĐT.
Theo Quy chế trên, thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 3 năm (36 tháng) đến 4 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn được phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh (theo mẫu tại Phụ lục I).
Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 6 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.
Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.
Một trong những điểm nhấn của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ là: Việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ những yêu cầu sau và yêu cầu bổ sung của cơ sở đào tạo đối với từng chương trình đào tạo (nếu có).
Cụ thể: Đã hoàn thành các học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ; Có bản thảo luận án tiến sĩ được người hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn đồng ý đề xuất được đánh giá ở đơn vị chuyên môn;
Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành;
Các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án;
Yêu cầu tại Điểm c Khoản này có thể được thay thế bằng minh chứng là tác giả hoặc đồng tác giả của: 1 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; hoặc 1 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao; có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.
Ngoài ra, Quy chế cũng điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn trong cùng một thời gian. Quy định này nhằm thu hút, tận dụng tri thức của những người đủ điều kiện để đóng góp vào công tác nghiên cứu, đào tạo thế hệ tương lai, nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo.
Cụ thể: Giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh.
Link bài gốcCoppy
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chinh-thuc-ban-hanh-quy-che-tuyen-sinh-va-dao-tao-trinh-do-tien-si-RDpH7qknR.html